Odoo là gì? Tại sao doanh nghiệp nên sử dụng Odoo?

Trong nhiều thập kỷ vừa qua, hệ thống thông tin (HTTT) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Không chỉ là công cụ để giải quyết các công việc lặp đi lặp lại, HTTT còn được sử dụng để hỗ trợ mọi hoạt động hàng ngày của công ty. Ngày nay, phần mềm tích hợp quản lý có thể xem là một trong những quân át chủ bài để dành lấy lợi thế trên thương trường.

Để đạt được điều đó, doanh nghiệp cần một thứ ngôn ngữ chung trong tất cả các tài liệu, số liệu, báo cáo, kế hoạch. Một hệ thống CRM & ERP chính là thứ ngôn ngữ mà doanh nghiệp đang mong muốn.

ODOO LÀ GÌ ?

Odoo được viết và phát triển bởi Fabien Pinckaers cùng cộng sự, được biết đến nhiều hơn với tên gọi OpenERP và trước đó là TinyERP, từ phiên bản 8.0 trở đi OpenERP được đổi tên thành Odoo.

Odoo là một trong những phần mềm quản trị doanh nghiệp mã nguồn mở, sử dụng ngôn ngữ lập trình Python, chạy phía server. Odoo không phải đơn thuần là một webapp bởi phần mềm này không dùng bất cứ web framework nào như Django, Tornado… Odoo được tích hợp nhiều công nghệ điện toán đám mây, phù hợp với nhiều ngành nghề và lĩnh vực.

Odoo được lập trình hơn 1000 chức năng khác nhau như: bán hàng, chăm sóc khách hàng, quản trị dự án, quản lý tài chính và nguồn nhân lực, quản trị sản xuất…Chính vì những công dụng này nên Odoo được khá nhiều doanh nghiệp lựa chọn sử dụng.

TẠI SAO DOANH NGHIỆP NÊN LỰA CHỌN ODOO ?

Một điều chắc chắn là sẽ không có một giải pháp nào hoàn hảo 100% cho một doanh nghiệp, thậm chí đối với các giải pháp trả phí. Theo khảo sát của Odoo Việt Nam về mức độ hài lòng đối với các giải pháp ERP và CRM thì chỉ có 58% là thành công, 21% thất bại và 21% còn lại là trung lập.

Điều này cho thấy một thực tế rằng, dù tiêu tốn một khoản không ít chi phí và nguồn lực cho việc triển khai ERP nhưng mức độ thành công chỉ hơn 50%. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại, ở góc độ kĩ thuật có một số nguyên nhân chính sau: thời gian triển khai quá lâu; hệ thống cứng nhắc, thiết kế ban đầu và thực tế khi triển khai đã sai khác nhau quá nhiều; chi phí vận hành bảo trì lớn. Một nguyên nhân quan trọng phải kể đến là chi phí tư vấn, triển khai, vận hành cao và tỉ lệ vượt quá ngân sách của các giải pháp luôn ở mức trên 50%. Vậy Odoo khắc phục các nhược điểm này như thế nào?

Trước hết, Odoo là mã nguồn mở, ưu điểm lớn nhất nếu so với chi phí trung bình 1-2 triệu USD ở trên. Điều này đặc biệt đúng với các doanh nghiệp Việt Nam, với sức ép ngày càng phải quản lý và khai thác các nguồn lực tốt hơn để cạnh tranh trong thời kì hội nhập quốc tế nhưng lại eo hẹp về kinh phí, khó cho việc chi trả các khoản phí đầu tư cho các giải pháp của nước ngoài thậm chí là trong nước thì các giải pháp miễn phí rõ ràng là một sự lựa chọn tốt. Cũng chính nhờ yếu tố mã nguồn mở này nên nhiều công ty công nghệ thông tin vừa và nhỏ có thể tham gia cung cấp triển khai và phát triển bổ sung các tính năng phụ trợ. Ngoài ra, khác với SAP, Oracle chi phí phần cứng cao. Odoo dễ cài, vận hành trên nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau như Windows, Centos, Redhat. Đây cũng là cơ hội để lập trình viên học tập và tìm hiểu để có cơ hội nghề nghiệp tốt trong thị trường này.

Hơn thế nữa Odoo được viết chủ yếu trên Python 2.7 (còn có thêm Javascript và XML) với rất nhiều các module quan trọng cho doanh nghiệp: CRM, Nhân Sự – HRM, Sale – Bán Hàng, Accounting – Kế Toán, Warehouse – Tồn Kho, Project – Quản Lý Dự Án Công Việc,… Python là ngôn ngữ lập trình cộng đồng phổ biến không chịu sự kiểm soát của hãng lớn nào. Có thể kết hợp với các thư viện Python nổi tiếng khác như MatplotLib để vẽ biểu đồ, ScikitLearn để phân tích dự đoán xu hướng dữ liệu (machine learning), hoặc mở rộng ra các web service để đối tác bên ngoài hệ thống, thiết bị di động kết nối vào Odoo.

tinh-nang-odoo-da-dang

Mặt khác, với hình thức được viết theo từng phân hệ và tính năng độc lập, doanh nghiệp có thể triển khai theo chiến thuật “Nhu Cầu Đến Đâu Xài Đến Đấy” nghĩa là dùng ngay khi bắt đầu với 1 số tính năng cơ bản và ít. Điều này hoàn toàn khả thi với các phân hệ cơ bản của Odoo, doanh nghiệp không phải đợi tới khi hoàn thành giải pháp mới sử dụng, mà có thể sử dụng ngay để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Một xu hướng ERP và CRM hiện nay của các nhà cung cấp dịch vụ là triển khai ERP và CRM trên môi trường online, tích hợp vào dịch vụ đám mây (Cloud Service), sau đó cho người dùng thuê. Odoo hoàn toàn đáp ứng được vấn đề này khi có thể triển khai dịch vụ đám mây, doanh nghiệp có thể lựa chọn để trả theo gói thuê bao tháng khi sử dụng.

dien-toan-dam-may-odoo-la-gi
Điện toán đám mây

Cuối cùng là tính phổ biến của Odoo so với các giải pháp khác. Số lượng người quan tâm về giải pháp này cũng vượt trội, điều này thể hiện qua sự áp đảo của Odoo qua so sánh của Google Trends (Các giải pháp Opentaps, ERPNext, ERP5, … đều không đủ volume để đưa ra so sánh). Hiện Odoo có hơn 4 triệu người dùng trên khắp thế giới, với hàng chục ngàn lập trình viên cung cấp 1 cộng đồng tính năng có phí lẫn miễn phí đa đạng, đáp ứng vượt trội nhu cầu quản lý của doanh nghiệp.

4-trieu-nguoi-dung-odoo

Những Phân Hệ Phổ Biến Của Odoo

  • Phân hệ Quản lý Quan hệ Đối tác & Khách hàng (CRM)
  • Phân hệ Quản lý Dự án (Project Management)
  • Phân hệ Quản lý Bán hàng và Doanh số (Sales Management)
  • Phân Hệ Quản lý & Hoạch định nguồn lực Sản xuất (MRP)
  • Phân hệ Quản lý Mua hàng (Purchase Management)
  • Phân hệ Quy trình Tuyển dụng (Recruitment Process)
  • Phân hệ Điểm Bán lẻ (Point Of Sales)
  • Phân hệ Chấm công (Timesheets)
  • Phân hệ xây dựng báo giá (Quote Builder)
  • Phân hệ Xây dựng website doanh nghiệp (Website Builder)
  • Phân hệ Kế toán & Tài chính (Finance & Accounting Management)
  • Phân hệ Hóa đơn điện tử & Thanh toán (Billing)
  • Phân hệ Tiền lương Tổng Quát (Generic Payroll system)
  • Phân hệ Quản lý Nhân lực (Human Resource Management)
  • Phân hệ Kho (Warehouse)
  • Phân hệ Theo dõi Phát sinh (Issues Tracker)
  • Phân hệ Quản lý Tài sản (Assets Management)
  • Phân hệ Việc cần làm (Todo List)
  • Phân hệ Lịch biểu (Calendar)
  • Phân hệ Mạng Xã hội (Social Network)
  • Phân hệ Trò truyện trực tuyến (Live chat)
  • Phân hệ Quản lý Nghỉ phép
  • Phân hệ Tri thức (Knowledge)
  • Phân hệ quản lý hợp đồng lao động
  • Phân hệ gửi email hàng loạt (Mass Mailing)
  • Phân hệ Marketing
  • Giao diện lập trình ứng dụng (API)
  • Phân hệ đánh giá nhân sự (Appraisal)
  • … và rất nhiều phân hệ khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *