Làm thế nào để châu Á chiến thắng trong kỷ nguyên toàn cầu mới

Tác giả: Arindam Bhattacharya, Vaishali Rastogi, Michael Tan và Hans-Paul Bürkner Nguồn: Boston Consulting Group Từ khóa: Toàn cầu hóa mới, châu Á, công nghiệp 4.0, mô hình định hướng xuất khẩu Ở mỗi thế hệ hay qua một thế kỷ, môi trường kinh doanh toàn cầu đều trải qua một cuộc tái cấu trúc cơ bản do khủng hoảng toàn cầu hay sự thay đổi lớn về địa chính trị và được hình thành bởi sự hợp lưu các xu hướng công nghệ và xã hội lớn. Công cuộc tái cấu trúc đã xảy ra sau cả hai cuộc chiến tranh thế giới, sau cuộc khủng hoảng dầu lửa 1970 cũng như sau khủng hoảng nợ thị trưởng mới nổi và sự sụp đổ của bức tường Berlin những năm 1980. Nền kinh tế toàn cầu giờ đây đang trải qua một cuộc tái thiết lịch sử tương tự – và đặc biệt lần này, nó làm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp mất phương hướng. Áp lực nhân đôi của việc gia tăng chủ nghĩa kinh tế dân tộc và sự thích ứng nhanh với công nghệ số đã làm thay đổi toàn cầu hóa một cách triệt để so với những gì chúng ta từng biết về nó. Kinh tế toàn cầu phân chia quyền lực theo nhiều cách do việc gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, sự đình trệ tăng trưởng thương mại quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài dài cả thập kỷ và vai trò bị suy yếu của các tổ chức đa phương đã lập nên các quy tắc và mang lại sự chi phối trong phần lớn kỷ nguyên sau chiến tranh. Tuy nhiên bằng những cách khác nhau, con người và các doanh nghiệp toàn cầu vẫn tiếp tục kết nối nhanh chóng thông qua các mạng lưới dữ liệu, các thiết bị kết nối và mạng xã hội. Ví dụ, số lượng người sử dụng internet đã tăng vọt từ 900,000 người và đạt hơn 3 tỷ người từ năm 2005 và sẽ vượt con số 4 tỷ vào năm 2020. Số lượng thiết bị số kết nối được dự kiến tăng gấp 3 lần, lên tới gần 21 tỷ. Dòng chảy dữ liệu toàn cầu đã bùng nổ gấp 10 lần trong thập kỷ vừa qua tới mức 20,000 Gi-ga-bai một giây được dữ kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2020. Kỷ nguyên toàn cầu hóa trước đây đã mang lại sự phát triển chưa từng có cho Châu Á. Chịu sự ảnh hưởng bởi sự gia tăng nhanh chóng trong thương mại quốc tế và các mô hình kinh tế tập trung vào sản xuất xuất khẩu, Nhật Bản – và cuối cùng là các nền kinh tế đang phát triển tại Châu Á đã đạt sự tăng trưởng kinh tế và công nghiệp hóa vượt trội – đã đưa hàng trăm trong số hàng triệu hộ gia đình vào tầng lớp trung lưu và giàu có. Sự chuyển dịch mang tính chất kiến tạo gần  đây nhất này cũng có ý nghĩa to lớn tương tự đến các doanh nghiệp và những người lãnh đạo chính phủ các khu vực đó. Toàn cầu hóa mới và châu Á Sự kết hợp giữa chủ nghĩa kinh tế dân tộc và tích hợp số hóa đã gây ra một vài thách thức lớn. Trên mặt trận địa chính trị, các nhà lãnh đạo châu Á phải tiếp tục nâng cao tiến trình thúc đẩy tự do di chuyển hàng hóa, vốn và con người. Họ cũng phải thống nhất các quy tắc và tiêu chuẩn chung để các hệ thống số có thể tương tác và để giúp các doanh nghiệp hưởng lợi từ các cơ hội khổng lồ do toàn cầu hóa mới mang lại. Đồng thời, các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp phải điều chỉnh với thực tế thay đổi trong nền kinh tế, kinh doanh và bối cảnh chính trị. Các nhà quản lý phải tìm kiếm cách thức phù hợp để thích ứng trong một thế giới tăng trưởng chậm hơn, đa cực và ngày một phân mảnh. Thay vì giả sử rằng nền kinh tế toàn cầu đang hội tụ về một hệ thống chi phối duy nhất, các công ty phải thích ứng với vô số các thay đổi về quy định và chế độ luật pháp. Họ sẽ phải đối mặt với các quy tắc thương mại và đầu tư khó khăn hơn, các chiến dịch “mua hàng nội địa”, sự gia tăng chủ nghĩa tư bản nhà nước và các thể chế mới. Trong khuôn khổ toàn cầu hóa mới, nhu cầu trong nước và khả năng cung cấp dịch vụ tới cộng đồng khổng lồ, không biên giới của những người tiêu dùng kết nối số sẽ trở nên quan trọng đối với sự phát triển như hoạt động xuất khẩu hàng hóa, thậm chí còn quan trọng hơn. Thay vì chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia, xa lộ dữ liệu vô hình và lưu trữ đám mây sẽ là lực lượng gắn kết nền kinh tế toàn cầu. Việc ứng dụng các hệ thống sản xuất và nền tảng phân tích tiên tiến của công nghiệp 4.0 sẽ buộc các công ty phải tư duy lại cách thức họ sử dụng tài sản, các bộ phận chức năng của doanh nghiệp và năng lực tại địa phương và trên toàn cầu. Và các công ty sẽ phải sửa đổi lại toàn bộ mô hình kinh doanh truyền thống của họ để bắt kịp – và tạo ra – các thị trường tăng trưởng mới bởi việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ do công nghệ mới mang lại với giá cả phải chăng với các khách hàng có mức thu nhập thấp. Các tác động này đối với những nhà lãnh đạo chính phủ đều không kém phần sâu sắc. Năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ không liên quan nhiều đến lao động giá rẻ mà sẽ liên quan nhiều hơn đến các kỹ năng và tài năng cần thiết để thành thạo trong công nghệ sản xuất cải tiến cũng như giải pháp và dịch vụ số hóa. Các mô hình phát triển kinh tế tập trung sản xuất xuất khẩu sẽ phải trở nên cân bằng hơn với sự tập trung nhiều hơn vào thúc đẩy tăng trưởng trong ngành dịch vụ và tiêu dùng trong nước. Các quốc gia cần đảm bảo rằng công nghệ số và cơ sở hạ tầng mới nhất là sẵn có trên diện rộng để người dân và các doanh nghiệp – đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa – có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Môi trường kinh doanh hiệu quả đóng vai trò quan trọng cho việc cạnh tranh trong môi trường mới. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ cần tìm cách đảm bảo rằng kỷ nguyên toàn cầu hóa mới này sẽ công bằng hơn trước đây. Mặc dù đã mang lại lợi ích to lớn cho châu Á, nhưng khuôn khổ toàn cầu hóa cũ đã làm trầm trọng hóa sự bất bình đẳng và bất ổn kinh tế tại các khu vực khác trên thế giới. Chênh lệch thu nhập giữa những người trên đỉnh và đáy thang kinh tế gia tăng ở hầu hết các quốc gia – tới mức mà hiện tại chỉ khoảng 1% dân số thế giới kiểm soát một nửa tài sản thế giới này – trong khi rất nhiều hộ gia đình trung lưu phải chứng kiến tình trạng thu nhập đình trệ thậm chí suy giảm do các công việc có mức chi trả tốt đã chuyển ra nước ngoài. Điều này đặc biệt đúng tại Hoa Kỳ. Bằng việc phân chia xã hội thành những người thắng cuộc và thất bại, toàn cầu hóa cũ trở nên không bền vững. Nó tạo ra làn sóng chính trị ngược phản đối tự do thương mại và nhập cư và làm gia tăng chủ nghĩa kinh tế dân tộc được biểu hiện kịch tính nhất bằng việc Anh đang rút khỏi liên minh Châu Âu, Mỹ rút khỏi hiệp định TPP và  chuyển sang đàm phán lại hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ. Toàn cầu hóa mới mang lại những thách thức lớn đối với Châu Á. Nhưng với việc lãnh đạo hiệu quả, khu vực này giữ vị trí quan trọng để tạo ra sự chuyển tiếp mong đợi và tận dụng các cơ hội mới. Vượt khỏi mô hình định hướng xuất khẩu Kể từ khi các nước phương Tây dần dần mở cửa thị trường cho nhập khẩu trong các thập kỷ sau chiến tranh thế giới thứ II, các nền kinh tế châu Á đã có thể đạt được sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng bằng việc khai thác nguồn lao động trẻ dồi dào và khoảng cách tiền lương lớn so với các nước đã phát triển. Khi các công ty tại Hoa Kỳ, Nhật Bản và Châu Âu thuê ngoài lắp ráp sản phẩm, linh kiện và một số chức năng kỹ thuật tới các địa điểm có chi phí thấp, các nền kinh tế châu Á định vị mình là bánh răng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Bắt đầu với viêc sản xuất công nghiệp nhẹ các sản phẩm như quần áo, giày và đồ chơi, Singapore, Đài Loan, Malaysia và các nền kinh tế khác cuối cùng đã dần phát triển thành trung tâm sản xuất toàn cầu cho các thiết bị ngoại vi và vi điện tử của máy tính. Thái Lan trở thành đối tác thuê ngoài chính của ngành sản xuất ô tô và trang thiết bị tiêu dùng của Nhật Bản, trong khi Trung Quốc, kể từ khi gia nhập vào Tổ chức thương mại thế giới, đã trở thành công xưởng của thế giới cho hàng loạt các ngành công nghiệp. Gần đây hơn, Việt Nam và Bangladesh đã đặt mục tiêu sản xuất xuất khẩu là nấc thang đầu tiên trong việc phát triển kinh tế. Là một trong số các nước hưởng lợi lớn nhất từ toàn cầu hóa, các nền kinh tế châu Á cũng có thể bị đe dọa nhiều nhất trong khuôn khổ mới đang phát triển. Sản xuất vẫn là một yếu tố đóng góp quan trọng tới sự phát triển của Châu Á, nhưng mô hình kinh tế định hướng xuất khẩu đang gia tăng áp lực lên hầu hết các khu vực này. Ở Trung Quốc, tỷ lệ xuất khẩu trong GDP giảm xuống 20% so với 37% (trong năm 2006). Tại Indonesia, xuất khẩu sụt giảm từ 31% GDP xuống còn 19% và dự đoán chỉ chiếm 11% trong năm 2030. Một lý do cho sự suy giảm này là do sự đóng góp của thương mại vào GDP toàn cầu – yếu tố từng tăng trưởng từ mức 25% trong những năm 1960 đến hơn 60% trong năm 2008, đã ngừng tăng trưởng từ đó. Một lý do khác là lợi thế lớn về chi phí sản xuất trước đây của châu Á đã suy giảm do sự gia tăng tiền lương vượt qua năng suất. Ví dụ, trong trường hợp nhiều hàng hóa được sản xuất ở Trung Quốc cho thị trường Bắc Mỹ, lợi thế chi phí trong sản xuất tại Hoa Kỳ đã giảm nhanh chóng trong suốt thập kỷ qua. Khoảng cách chi phí giữa Mỹ và Thái Lan và Malaysia cũng đã được thu hẹp. Bóng ma của sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ cũng đã buộc các nhà làm chính sách và các công ty Châu Á phải đảm bảo rằng họ không quá phụ thuộc vào sản xuất xuất khẩu. Theo WTO, từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 10 năm 2016, số lượng các biện pháp hạn chế thương mại đang được áp dụng tại G20 tăng 16% , tức là tới 1263 biện pháp.  Theo một phân tích gần đây của BCG, các thay đổi đề xuất về chính sách thương mại Hoa Kỳ –  có thể gồm cả đề xuất đánh thuế cao hơn đối với hàng hóa từ các đối tác thương mại nhất định hay “chính sách thuế điều chỉnh biên giới” vào nhập khẩu – sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều nhà sản xuất đang tập trung sản xuất và tìm nguồn cung ứng tại các nhóm nền kinh tế có chi phí thấp. Những nguy cơ đó có thể buộc nhiều công ty phải xem xét chuyển dịch nhiều hoạt động sản xuất tới gần người tiêu dùng trong nước hơn. Như đã thảo luận, sự xuất hiện của các công nghệ công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi bản đồ sản xuất toàn cầu bằng việc làm nền sản xuất trở nên hiệu quả hơn về mặt chi phí để sản xuất nhiều hàng hóa hơn trong các cơ sở vật chất nhỏ hơn và gần hơn với khách hàng. Dù ở các nước châu Á nơi mà tiền lương vẫn ở mức rất thấp và lao động dồi dào, chiến lược phát triển tập trung vào xuất khẩu vẫn sẽ kém hiệu quả. Xác định lại lợi thế của châu Á Tin tốt là phần lớn châu Á định vị rất tốt để hưởng lợi từ việc số hóa doanh nghiệp toàn cầu và sự chuyển dịch tới dịch vụ và tiêu dùng trong nước. Trung Quốc là một ví dụ tiêu biểu. Mặc dù GDP hàng năm đã tăng trưởng chậm lại từ mức khoảng 10% những năm 1990 và những năm đầu của thập kỷ 20 tới mức còn khoảng 7% ở giai đoạn hiện tại, thì tăng trưởng tiêu dùng cá nhân vẫn ở mức cao đáng kể. Thậm chí dù tăng trưởng GDP của Trung Quốc giảm xuống mức 5,5%, tiêu dùng cá nhân vẫn được dự đoán đạt mức 6.5 nghìn tỷ hàng năm vào năm 2020, tăng khoảng 50% kể từ năm 2015. Đồng thời chi tiêu cho dịch vụ đang gia tăng nhanh hơn rất nhiều so với việc chi tiêu cho hàng hóa và chiếm hơn một nửa GDP tại thời điểm hiện tại. Cũng vậy tại các quốc gia Indonesia, Malaysia, Philipin và Thái Lan, đóng góp của dịch vụ vào GDP đã vượt qua sự đóng góp của sản xuất. Sự giàu có gia tăng của các hộ gia đình Châu Á chỉ ra rằng khu vực này sẽ tiếp tục là thị trường tăng trưởng lớn nhất thế giới về chăm sóc sức khỏe, giáo dục, dịch vụ tài chính, giải trí và các dịch vụ khác. Tầng lớp trung lưu của Trung Quốc được dự kiến tăng 36 triệu hộ và đại diện cho 40% dân số nước này vào năm 2020, trong khi 20% dân số khác sống trong các hộ gia đình trên trung lưu và giàu có. Theo Trung tâm thấu hiểu khách hàng của BCG, Việt Nam được dự kiến tăng 5 triệu hộ gia đình trên trung lưu vào năm 2020, Ấn Độ 11 triệu và Indonesia là 29 triệu. Khách hàng và doanh nghiệp các nước Châu Á nằm trong số những người am hiểu kỹ thuật số nhất thế giới, biến họ thành các mục tiêu hàng đầu cho các mô hình kinh doanh được điều chỉnh phù hợp với toàn cầu hóa mới. Thương mại điện tử chiếm tới 15% tiêu dùng cá nhân tại Trung Quốc, so với 3% trong năm 2010 và được dự kiến chiếm hơn 40% tăng trưởng tiêu dùng sau năm 2020. Theo liên minh viễn thông quốc tế, năm mươi ba phần trăm khu vực Đông Nam Á – 340 triệu người – được kết nối với internet. Số lượng này đã tăng hơn 30% mới chỉ từ tháng 1 năm 2016. Theo Hootsuite – một nền tảng truyền thông xã hội, dự kiến khoảng 42% người tại khu vực Đông Nam Á tích cực sử dụng phương tiện truyền thông mạng xã hội di động trong đó tăng thêm 73 triệu người dùng mới so với cùng thời kỳ. Các doanh nghiệp tại khu vực này đang phát triển các cách thức mới để kết nối số trở nên phải chăng hơn với những người châu Á có thu nhập thấp. Những đổi mới này sẽ giúp mở rộng giới hạn số ra xa hơn. Ví dụ, công ty Reliance Industries của Ấn Độ đã thông báo rằng họ đã phát triển một điện thoại hỗ trợ web với khả năng truy cập 4G tốc độ cao giá rẻ. Miễn phí tin nhắn âm thanh và văn bản trong khi không giới hạn dữ liệu di động trong mạng lưới sẽ giúp giảm chi phí hơn 3 USD một tháng. Sự cần thiết của hợp tác toàn cầu Để chia sẻ rộng rãi các cơ hội và lợi ích kinh tế của toàn cầu hóa mới giữa các công dân và các doanh nghiệp ở mọi quy mô tại châu Á, việc duy trì tiến trình hội nhập thị trường và phát triển các quy định và tiêu chuẩn chung của các chính phủ vẫn luôn cấp bách. Rất nhiều các quy tắc đặt ra trước đó trong các hiệp định đa phương đã không còn giá trị, đặc biệt trong điều kiện thương mại số. Khi WTO thành lập năm 1995, điện toán đám mây chưa tồn tại, thương mại điện tử chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số 22 nghìn tỷ doanh thu toàn cầu hàng năm mà nó tạo ra kể từ năm 2015 ( theo hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển dữ liệu). Các hiệp định và tiêu chuẩn quốc tế  mới là cần thiết nếu thương mại điện tử toàn cầu hoạt động an toàn, hiệu quả và đáng tin cậy. Sự hợp tác là cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng, thuận tiện quá trình thanh toán và xác minh, thiết lập các quy tắc đánh thuế đối với thương mại số và đề phòng các mối nguy tội phạm mạng đang tăng dần. Các tiêu chuẩn chung cũng quan trọng để các thiết bị kết nối số, các nền tảng và máy móc hoạt động liên tục với nhau. Sẽ không có gì thay thế cho một hiệp định đa phương toàn cầu thật sự. Nhưng với các cuộc thảo luận thương mại toàn cầu bị trì hoãn hơn cả thập kỷ và các hiệp định như TPP bị suy yếu nghiêm trọng do sự rút lui của Mỹ, các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương được mong đợi đóng vai trò tiên phong trong chủ nghĩa đa phương những năm tới. Khu vực này chiếm 40% thương mại thế giới và thương mại trong khu vực này phát triển nhanh hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới – do đó Châu Á có thể thu được lợi ích lớn nhất từ sự hợp tác xuyên biên giới. Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương cũng là người dẫn dắt kinh tế toàn cầu và là địa điểm quan trọng cho bất kỳ doanh nghiệp nào đang theo đuổi sự tăng trưởng: Dân số 4.5 tỷ của khu vực này chiếm gần 60% dân số thế giới và gồm nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Cuối cùng, mười quốc gia thành viên của tổ chức các nước Đông Nam Á cần thực hiện các nỗ lực phối hợp để gắn kết các nền kinh tế của họ hơn nữa. Chính phủ các nước Châu Á nên tập trung đàm phán các hiệp định bao trùm các lĩnh vực thương mại, đầu tư, kinh tế và hợp tác kỹ thuật cũng như quyền sở hữu trí tuệ trong khuôn khổ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực – một nhóm bao gồm các quốc gia ASEAN cũng như Thịnh vượng chung Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Di-lân và Hàn Quốc. Những sáng kiến khác cũng cần đẩy nhanh. Ví dụ, ngân hàng trung ương Sing-ga-po đang làm việc với cơ quan của Liên hợp quốc để hỗ trợ số hóa cho các hợp tác của ASEAN, các nhà cung cấp tài chính vi mô và các ngân hàng để mang lại cách tiếp cập tài chính tốt hơn cho các khu vực dân số có ít tầm ảnh hưởng về mặt kinh tế. Số hóa đang thay đổi các doanh nghiệp Châu Á như thế nào Do sự phát triển khuôn khổ pháp lý của nền kinh tế toàn cầu mới, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Châu Á phải thích ứng với công nghệ số và nhanh chóng tăng cường sự kết nối, những yếu tố đang thay đổi mọi ngành, lĩnh vực, công ty và xã hội. BCG nhận thấy ba lực lượng tác động chính mà các nhà lãnh đạo này cần phải đặt lên hàng đầu trong chương trình của họ là: sự dịch chuyển đến công nghiệp 4.0, sự phát triển của nền tảng số và sự gia tăng của dịch vụ trên nền tảng số hóa. Công nghiệp 4.0. Bên cạnh việc giảm chi phí lao động và thúc đẩy năng suất tăng tới mức 30%, hệ thống sản xuất thế hệ kế tiếp bao gồm robot cải tiến, sản xuất phụ gia và mô phỏng nhà máy số  – được biết đến chung như là công nghiệp 4.0- có tiềm năng làm thay đổi hoàn toàn bản đồ sản xuất toàn cầu. Dưới hệ thống sản xuất hàng loạt truyền thống, hầu hết các nhà sản xuất tập trung vào tiêu chuẩn hóa sản phẩm và quy trình và hướng đến sản xuất tập trung tại quy mô lớn tại một vài địa điểm chi phí thấp để tận dụng tính kinh tế theo quy mô. Các nhà máy số tương lai linh động hơn sẽ làm cho việc sản xuất các lô hàng quy mô nhỏ với các sản phẩm đặc chế gần hơn tới thị trường cuối cùng trở nên ngày càng kinh tế và thực tế hơn. Một số các nhà sản xuất hàng đầu đã bắt đầu thích nghi với dấu chân của sản xuất “nội địa”. Ví dụ, Adidas đã thường tập trung vào hoạt động sản xuất toàn cầu tại các nhà máy khổng lồ ở các quốc gia có chi phí thấp. Hiện tại, nhờ vào công nghệ sản xuất cải tiến, công ty này đang di chuyển một vài việc sản xuất tùy chỉnh tới Đức và các quốc gia khác. Xu hướng tương tự đang xảy ra trong ngành điện tử. Foxconn, công ty đang tích cực triển khai robot, đã từng sản xuất tất cả các sản phẩm điện tử ở phía Nam Trung Quốc, hiện nay đang thực hiện lắp ráp ở Mexico và công ty này cũng vừa công bố kế hoạch sản xuất tại Hoa Kỳ. Một vài quốc gia Châu Á đang đi đầu trong hệ thống công nghiệp 4.0, tuy nhiên các chính sách kinh tế và chiến lược phát triển tại hầu hết các khu vực này cần được cập nhật để ủng hộ và theo kịp tốc độ của xu hướng này. Công nghiệp 4.0 sẽ buộc các quốc gia châu Á phải thay đổi tuyên bố giá trị của họ khi cạnh tranh cho đầu tư sản xuất. Thay vì giới thiệu mình như là thiên đường lao động giá rẻ với các công ty đa quốc gia, các quốc gia này sẽ phải cạnh tranh trên cơ sở kỹ năng. Và họ sẽ phải định vị mình là địa điểm mà tại đó các công ty có thể tiếp cận các thị trường mới quan trọng và nâng cao hiệu quả bằng cách tận dụng những công nghệ mới nhất tại mọi điểm trong chuỗi giá trị. Nền tảng số hóa. Có một phương pháp để các công ty châu Á có thể tiếp cận thị trường toàn cầu được kết nối số và không biên giới là: đầu tư vào nền tảng số hóa và phát triển hệ sinh thái các đối tác địa phương trên khắp thế giới. Quy mô của các thị trường không biên giới là vô cùng đáng kinh ngạc. 700 tỷ USD trị giá hàng hóa được trao đổi mỗi năm chỉ qua Alibaba và Amazon, giá trị hàng hóa đã và đang tăng trưởng tại mức tăng trưởng kép hàng năm là hơn 30% từ năm 2012. Thành công đặc biệt của các công ty như Uber, Airbnb và China’s Alipay trong việc nhanh chóng xây dựng các doanh nghiệp toàn cầu tỷ đô cùng với tương đối ít đầu tư vốn hiện vật tại các thị trường mục tiêu biểu lộ sức mạnh của nền tảng số trong việc làm cho biên giới quốc gia và các mô hình doanh nghiệp cơ sở trong nước hầu như không còn quan trọng. Theo trung tâm doanh nghiệp toàn cầu, châu Á có hơn 60 công ty nền tảng với vốn hóa thị trường kết hợp trên 1 nghìn tỷ USD. Khoảng một nửa công ty trên cơ sở nền tảng của châu Á là công ty Trung Quốc, các công ty khác phân tán khắp khu vực này. KakaoTaxi của Hàn Quốc thống trị thị trường xe chung theo yêu cầu của quốc gia này. Grab- được thành lập tại Malaysia năm 2012 và hiện tại đặt cơ sở tại Sing-ga-po đã thiết lập dịch vụ xe chung toàn bộ khu vực Đông Nam Á với hơn 1.1 triệu lái xe cung cấp gần 3 triệu lượt mỗi ngày kể từ tháng 7 năm 2017. Số lượt tải ứng dụng di động của Grap đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2016, tới trên 50 triệu. Go-Jek của Indonesia bắt đầu với dịch vụ gọi xe đã đa dạng hóa sang dịch vụ giao thức ăn và giao thuốc theo đơn, thanh toán trực tuyến và dịch vụ bảo dưỡng xe ô tô. Công ty này vừa xây dựng mạng lưới 300,000 tài xế xe mô tô, ô tô và xe tải và 100,000 doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sea –có trụ sở tại Sin-ga-po là công ty khởi nghiệp công nghệ có giá trị nhất Đông Nam Á đã mở rộng vượt tầm thương hiệu trò chơi Garena của mình tới công ty thương mại điện tử Shopee, dịch vụ thanh toán số Airpay và Beetalk – mạng xã hội di động bản xứ đầu tiên tại Đông Nam Á. Alipay của Trung Quốc đang xây dựng một doanh nghiệp toàn cầu bằng việc cung cấp các dịch vụ cho các du khách kết nối số. Công ty này cung cấp nền tảng thanh toán di động có 450 triệu người theo dõi hoạt động, những người sử dụng nền tảng này thay cho thẻ tín dụng. Công ty nhắm vào thị trường người du lịch Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh,  lên đến 500 tỷ USD vào năm 2012 và dự kiến sẽ chi trả 1,75 nghìn tỷ USD cho đến năm 2030. Để tiếp cận thị trường này, Alipay đã hợp tác với nhà cung cấp thanh toán toàn cầu như Verifone và First Data. Các cửa hàng bách hóa sang trọng, nhà bán lẻ và các thương hiệu toàn cầu như Body Shop cũng chấp nhận Alipay như Uber đã chấp nhận. Dịch vụ số. Cải tiến công nghệ và nền tảng số tạo ra sự tăng trưởng nhanh chóng của dịch vụ số xuyên biên giới như đặt phòng trực tuyến, các trang giải trí và quản lý hiệu quả tài sản cũng như giải pháp đầu cuối. Dịch vụ trên nền tảng số chiếm đến 25% xuất khẩu từ các nước OECD trong năm 2014 so với chỉ 17% trong năm 1980. Dịch vụ nền tảng số mang lại cơ hội tăng trưởng cho các công ty thậm chí tại những quốc gia đang gia tăng rào cản thương mại hay giới hạn nguồn lực tài chính. Do nền kinh tế dịch vụ là hoàn toàn khác biệt so với nền kinh tế hàng hóa đơn thuần, các công ty có thể tiếp cận các thị trường mới với vốn đầu tư vào tài sản địa phương tương đối thấp. Sử dụng các chiến lược như dịch vụ hóa sản phẩm (servitization), các nhà sản xuất phần cứng có thể tạo ra sự tăng trưởng thậm chí trong thị trường tăng trưởng thấp bằng cách giảm “chi phí tiếp cận” sản phẩm và tạo ra giá trị cho khách hàng. Một số nhà tiên phong dịch vụ hóa sản phẩm đang phát triển mô hình kinh doanh mới kết hợp năng lực trong nước và toàn cầu. Bằng việc tập trung một phòng ban như phân tích dữ liệu tại một khu vực họ có năng lực nhất, các công ty có thể thu được lợi ích theo quy mô từ các phòng ban kỹ năng cao. Và bởi việc đặt các bộ phận khác tại địa phương, họ có thể phục vụ khách hàng một cách hiệu quả. Philips minh họa cách triển khai dịch vụ hóa sản phẩm. Công ty này đã gia nhập các lực lượng gồm có tổ chức công nghệ phi lợi nhuận Imaging the World và chính phủ của Kenya và Uganda để cung cấp dịch vụ hệ thống y tế từ xa chi phí hiệu quả và dễ sử dụng ví dụ như kiểm tra siêu âm tại các bệnh viện ở vùng hẻo lánh. Dữ liệu từ các máy scan được truyền trực tuyến qua đám mây và được phân tích bởi các bác sỹ X-Quang tại mọi nơi trên thế giới. Các công ty chăm sóc sức khỏe trên thị trường với nền công nghiệp y học từ xa phát triển tốt như Ấn Độ, Thái Lan và Singapo đang có vị trí vững chắc để phát triển những dịch vụ như vậy. Chương trình cho các doanh nghiệp châu Á Nhiều doanh nghiệp Châu Á đã là những người tiên phong toàn cầu trong việc chấp nhận số hóa và phát triển mô hình doanh nghiệp đổi mới cho phép họ vượt qua đối thủ cạnh tranh và bắt lấy các cơ hội vừa xuất hiện. Nhưng các doanh nghiệp ở hầu hết khu vực này thích nghi tương đối chậm. Các công ty châu Á sẽ cần có văn hóa hội nhập nhanh nhạy và quyết liệt cho phép họ đưa ra quyết định nhanh chóng và chấp nhận rủi ro lớn. Và họ sẽ cần mô hình doanh nghiệp cho phép họ thâm nhập vào thị trường thu nhập thấp hay nền kinh tế đang phát triển với hàng hóa và dịch vụ phải chăng hơn. Thay vì chỉ tập trung cắt giảm chi phí, các công ty Châu Á cần tìm ra các phương pháp để mang lại các hình thức giá trị mới bằng việc tận dụng nền tảng số để giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần đánh giá tổ chức của họ và tìm sự cân bằng giữa mô hình tập trung và phân tán cho phép họ giành được thắng lợi trong toàn cầu hóa mới. Nhìn chung, họ cần quyết liệt xem xét tiêu chuẩn hóa hoàn toàn các quy trình nội bộ trong khi mang lại sự linh động cho hoạt động trong nước để tùy chỉnh các hoạt động phải đối mặt bên ngoài. Tương tự, các công ty cần phát triển khả năng cung cấp các dịch vụ nhất định trên quy mô toàn cầu và đồng thời tùy chỉnh các dịch vụ theo các quy định và nhu cầu của các thị trường cụ thể. Ví dụ, họ có thể khai thác cung cấp dịch vụ dựa trên nền tảng đám mây mang lại cho các công ty non trẻ lợi ích chi phí theo quy mô, điều mà trước đó không sẵn có đối với họ. Các công ty châu Á cũng cần đầu tư vào nguồn vốn con người để xây dựng nên năng lực nội địa cần thiết để phát triển thịnh vượng trong môi trường mới.  Để thu hút và giữ chân tài năng, họ cần đầu tư hơn nữa vào việc tiếp tục đào tạo để các công nhân có thể nâng cao kỹ năng và duy trì hiệu quả. Các công ty có thể cân nhắc các chương trình như  chương trình do Starbuck cung cấp, họ trả tiền học phí đại học cho nhân viên – một sự đầu tư thường không liên quan tới ngành kinh doanh thức ăn nhanh và đồ uống. Họ cũng nên xem xét mang lại cơ hội luân chuyển nghề nghiệp và sự công nhận dựa trên thành tích nhiều  hơn. Các công ty sẽ cần có cái nhìn mới về cách tích hợp đội ngũ lao động với công nghệ để mở khóa giá trị của công nghiệp 4.0. Việc tìm hiểu công việc nào mà con người và máy móc làm tốt hơn và thiết kế các quy trình để tận dụng lợi thế mạnh của mỗi bên để tạo ra lợi thế cạnh tranh là rất cần thiết. Các doanh nghiệp châu Á đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo rằng toàn cầu hóa mới sẽ công bằng hơn. Các nhà lãnh đạo có thể học hỏi từ các hậu quả xấu của thời kỳ toàn cầu hóa trước đây và đóng góp vào việc tạo ra một vòng tròn phát triển của niềm tin và sự thịnh vượng chung. Họ cần nhìn xa hơn các lợi ích ngắn hạn và đánh giá đúng rằng sự thịnh vượng trên diện rộng tốt cho sức khỏe dài hạn của nền kinh tế và các doanh nghiệp. Các công ty Châu Á có thể làm nhiều việc hơn để đương đầu với sự bất bình đẳng và mất trật tự kinh tế bằng cách làm việc với chính phủ và các cơ quan chức năng khác về những sáng kiến phát triển bền vững. Cuối cùng, các công ty có thể củng cố sự liên kết giữa các nền kinh tế châu Á bằng việc ủng hộ các thể chế đa phương và các sáng kiến nhằm giảm bớt cản trở đối với giao dịch thương mại xuyên biên giới. Rủi ro và cơ hội mang lại do khuôn khổ toàn cầu hóa mới đưa ra một chương trình khó khăn cho cả doanh nghiệp và chính phủ. Nhưng rất ít văn hoá doanh nghiệp và chính phủ tỏ ra thích nghi với sự thay đổi hơn khu vực châu Á. Khu vực này đã điều hướng thành công mọi sự chuyển đổi kinh tế quan trọng trong bảy thập kỷ qua và đạt được thành công. Bằng cách hợp tác với nhau, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ có thể đảm bảo rằng Châu Á tiếp tục thành công trong kỷ nguyên toàn cầu hoá sắp tới. Người dịch: Claire Nguyễn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *