Chào mừng đến với nền kinh tế gắn kết

Kinh tế thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cốt lõi của cách mạng này là sự tiến hóa của máy móc, tức công nghệ đã cho phép chuyển từ cỗ máy con người điều khiển sang cỗ máy tự hoạt động theo trí tuệ riêng của nó. Nếu khoảng 20 năm trước, công nghệ là công cụ để nâng cao sức sáng tạo, năng suất lao động, giảm chi phí, tạo ra những sản phẩm, nhu cầu sản phẩm để phục vụ cho con người thì ngày nay, công nghệ đang dần chuyển sang một nhiệm vụ mới là kết nối vạn vật, kết nối các công cụ với nhau để tạo nên một hệ sinh thái mới, cho phép con người thỏa mãn mọi nhu cầu của bản thân một cách nhanh nhất thông qua sự gắn kết giữa con người và công nghệ. Và cũng từ đây, đang báo hiệu sự xuất hiện của một nền kinh tế mới – nền kinh tế gắn kết. Nền kinh tế gắn kết được phác họa qua ngòi bút của nhà nghiên cứu trường đại học MIT là bức tranh toàn cảnh giúp người đọc hình dung được quá trình thay đổi từ nền kinh tế trải nghiệm sang nền kinh tế gắn kết thông qua bốn luận điểm chính dưới đây: Thứ nhất: Công nghệ đã đặt nền móng cho sự thay đổi lớn về kinh tế, tạo nên phép màu gắn kết vạn vật với nhau. Thứ hai: Ba điểm khác biệt giữa kinh tế trải nghiệm và kinh tế gắn kết là phạm vi; tính năng động và sự phân tầng. Thứ ba: Sống trong nền kinh tế gắn kết, các doanh nghiệp phải trang bị ba yếu tố: tốc độ; sự ủng hộ và tùy biến để không bị tụt lại phía sau. Thứ tư: Trong nền kinh tế gắn kết, các doanh nghiệp phải hợp tác với nhau để cùng tồn tại và phát triển. Thứ năm: Sự trỗi dậy của API trong ngành công nghiệp phần mềm cũng như tầm ảnh hưởng đối với các doanh nghiệp. Để hiểu rõ hơn về tính gắn kết trong nền kinh tế, hãy cùng nghiên cứu sâu hơn từng luận điểm qua bài viết của nhà nghiên cứu Uri Sarid được đăng trên Blog của MITSloan Management Review: “Chào mừng đến với nền kinh tế gắn kết”.   Công nghệ đã đặt nền móng cho một sự thay đổi lớn về kinh tế. Cách đây gần 20 năm, có một sự thay đổi lớn về kinh tế – từ một nền kinh tế dịch vụ sang một nền kinh tế trải nghiệm. Kể từ đó, tốc độ tăng tốc của công nghệ, thúc đẩy bởi sự siêu chuyên môn hóa, số hóa, và khả năng kiểm soát một cách có kế hoạch những môi trường mới này đã lặng lẽ báo hiệu một nền kinh tế mới bắt đầu thách thức mọi ngành công nghiệp – nền kinh tế gắn kết. Tạo ra phép màu thông qua sự gắn kết của công nghệ Hãy suy nghĩ về sự tiến triển của du lịch. Trong nền kinh tế nông nghiệp, bạn đáng lẽ bắt đầu đi bộ; có lẽ bạn có thể nâng cấp lên thành một con ngựa. Trong nền kinh tế công nghiệp, sản xuất hàng loạt xe ô tô và tàu thuyền đã tạo ra những lựa chọn thiết thực cho nhiều nhóm người. Nền kinh tế dịch vụ đã mang đến các hãng hàng không và taxi. Một số hãng hàng không và một số nhà cung cấp dịch vụ vận tải mặt đất đã cố gắng nâng cao chất lượng dịch vụ của họ thành những trải nghiệm tuyệt vời, với thành công hỗn hợp. Nhưng trong nền kinh tế gắn kết, nhu cầu du lịch của bạn sẽ được tự động điều chỉnh trong toàn bộ các dịch vụ vận chuyển, chỗ tạm trú, ăn uống và giải trí, do đó bạn có thể ở bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào và tận hưởng cuộc sống của bạn hoặc thực hiện công việc kinh doanh một cách liền mạch. Hãy tưởng tượng một nhân viên hỗ trợ khách hàng tự động, một trợ lý ảo thực sự thông minh, luôn luôn phù hợp điều chỉnh của bạn với nhiều dịch vụ có sẵn. Mặc dù mỗi yếu tố trong kế hoạch hành trình du lịch của bạn vẫn sẽ được cung cấp một cách riêng biệt, nhưng tính gắn kết của công nghệ sẽ cho phép các yếu tố làm việc phối hợp với nhau để lối sống toàn cầu của bạn không chỉ có thể thực hiện được mà còn chỉ cần rất ít nỗ lực để thực hiện nó. Các ví dụ về tính gắn kết đã có ở xung quanh chúng ta: tưởng tượng những nhóm đua thuyền mà hành động như một đội để đẩy thuyền đua về phía trước. Tính gắn kết cũng rất phong phú trong tự nhiên, chẳng hạn như các đàn mối xây dựng những cấu trúc tuyệt vời thông qua các hành vi tự phát [1](emergent behavior) và hợp tác. Công nghệ hiện đang tạo ra một tiêu chuẩn gắn kết hoàn toàn mới trong cuộc sống của chúng ta và trong nền kinh tế. Một khi chúng ta dần quen với sự gắn kết này, chúng ta sẽ không thể quay trở lại. Cũng giống như ngày càng ít người trong chúng ta lái xe đến các địa điểm mới mà không có mạng lưới an toàn GPS hoặc gửi tiền tại ngân hàng hoặc mua hàng tại một cửa hàng thực tế thay vì để cho chúng được cung cấp rẻ hơn theo yêu cầu, thì cũng sẽ có ngày càng ít người trong số chúng ta chấp nhận những trải nghiệm mà phải được dàn xếp thủ công. Chúng ta muốn sự kỳ diệu. Các đặc tính của sự gắn kết Sự khác biệt chính giữa nền kinh tế trải nghiệm và nền kinh tế gắn kết là phạm vi, tính năng động và cấp độ. Xem xét về dịch vụ chăm sóc sức khoẻ: Mục tiêu cuối cùng của bạn là trở nên và duy trì càng khỏe mạnh càng tốt. Trong nền kinh tế gắn kết, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sẽ có thể bắt đầu mang lại kết quả đó. Theo nghĩa sâu hơn, họ sẽ bán chính sức khỏe, giống như GE Aviation Systems LLC đã bán động cơ máy bay của họ cho mỗi giờ hoạt động thông qua các dịch vụ Truechoice Flight Hour dựa trên những phân tích và dữ liệu. Để đạt được kết quả này, các công ty chăm sóc sức khoẻ sẽ cần phải thay đổi khá nhiều, với việc tái cân nhắc và mở rộng phạm vi của họ một cách đáng kể, khả năng phản hồi thông tin động và sự mở cửa của họ đối với việc tham gia vào một hệ sinh thái phân tầng. Phạm vi Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức khoẻ, bao gồm tập thể dục, chế độ ăn uống, di truyền và sinh trắc học. Chăm sóc sức khoẻ rộng hơn nhiều so với một trải nghiệm đơn lẻ: Khi bác sĩ hỏi liệu bạn có đang tập thể dục, bạn ước họ có thể truy cập vào bản ghi theo từng phút trên Apple Watch để có được bức tranh toàn cảnh. Đạt được kết quả sức khỏe [2] (healthy outcomes) có nghĩa là tiết lộ nhiều thông tin hơn về mọi mặt của cuộc sống, từ tập thể dục, chế độ ăn uống, sự ổn định về cảm xúc đến cách bạn phản ứng lại với những gì cuộc sống mang lại cho bạn – một bài kiểm tra căng thẳng 24/7 nếu bạn muốn. Và nếu bác sĩ của bạn không trực tiếp thu thập tất cả những điều này – trong hầu hết các trường hợp, họ sẽ không làm điều đó – thì họ sẽ cần phải biết cách truy cập nó. Tính năng động Phạm vi càng rộng thì thông tin càng biến đổi liên tục. Sinh trắc học của bạn đang thay đổi liên tục, và trong một số trường hợp, những thay đổi đó có thể cần phải chú ý ngay lập tức. Lập kế hoạch kiểm tra, thăm văn phòng, điều trị và các cuộc hẹn tiếp theo yêu cầu đồng bộ hóa nhiều lịch trình, phân tích sự di chuyển, theo dõi kết quả…. Nếu nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp sức khoẻ, họ sẽ cần giỏi trong việc cung cấp tất cả sự phối hợp này và thực hiện trên quy mô lớn; thực vậy, điều này sẽ trở thành cốt lõi trong “đề xuất giá trị[3]” (value proposition) của nhà cung cấp khi xử lý các khoản phúc lợi và hóa đơn. Không giống như trải nghiệm đơn lẻ đã giới hạn trong một thời gian và một địa điểm cụ thể, nền kinh tế gắn kết bao gồm một chuỗi lớn những giai đoạn kế tiếp nhau (Những gì đang thay đổi mỗi phút? Những gì đang thay đổi mỗi tuần?) và khoảng thời gian (Việc giảm cân của bạn trong tuần này như thế nào? Mức độ B12 nào bạn đang cố gắng để đạt được trong năm tới?) cũng như các địa điểm. Ví dụ: để giảm tỷ lệ mắc bệnh ung thư da, công ty chăm sóc sức khoẻ của bạn có thể theo dõi sự phơi nắng tích tụ của bạn và tự động đề xuất thời gian bạn nên hạn chế phơi nắng hoặc sử dụng kem chống nắng nhiều hơn dựa trên những gì họ kết luận được từ lịch trình của bạn (Bạn đang đi đi du lịch ở Jakarta, hoặc Edinburgh phải không) hoặc dữ liệu thời tiết. Sự phân tầng Trong nền kinh tế trải nghiệm, những trải nghiệm thường do một nhà cung cấp duy nhất sở hữu. Ví dụ, các công ty như Tập đoàn One Medical Group có trụ sở tại San Francisco lên kế hoạch để cho phép người tiêu dùng kiểm soát trải nghiệm về y tế bất cứ lúc nào nhờ sự tiện lợi từ những điện thoại di động của họ. Mặt khác, trong nền kinh tế gắn kết, những chuyển động cơ thể diễn ra theo sự phân tầng. Ví dụ: những vật dụng có thể đeo, mang trên người để cung cấp nguồn dữ liệu thô về nhịp tim, nhiệt độ, tốc độ và nhiều thứ khác; các ứng dụng y tế kết hợp những dữ liệu đó thành các xu hướng; thông tin về đơn thuốc hoặc lượng thuốc lấy vào bổ sung vào bức tranh; các bác sĩ tham khảo hệ thống hồ sơ y tế điện tử để thu thập các kế hoạch cải thiện sức khoẻ, ngày càng được trợ giúp bằng học máy; và các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm cung cấp mọi thứ theo những cách tiết kiệm (ví dụ như khuyến khích sự phòng vệ và những luồng phản hồi tích cực[4]). Ở mỗi tầng, các khối xây dựng trong tầng dưới được gắn kết thành các năng lực hữu ích hơn và có giá trị cao hơn; và có nhiều vectơ dọc mỗi tầng để đạt được sự gắn kết. Ví dụ, một bộ triệu chứng có thể được phân tích bởi nhiều bác sĩ để giải quyết các khía cạnh khác nhau về sức khoẻ của bạn, một trong số đó tập trung vào các mục tiêu giảm cân và những người khác tập trung vào việc xây dựng hệ thống miễn dịch. Tầng tiếp theo cung cấp cách để phối hợp các kế hoạch điều trị đó, ví dụ như tích hợp hai kế hoạch thành một trong khi vẫn đảm bảo các loại thuốc không tác động ngược lại nhau. Gắn kết: Một đề tài tranh luận mới Mọi thay đổi về kinh tế đều gây ra những chuyển biến lớn, và các doanh nghiệp không đáp ứng được mong đợi của người tiêu dùng sẽ bị tụt lại phía sau – chỉ cần nhìn vào Sears, Roebuck and Co. và Blockbuster Inc. Sự chuyển biến từ nền kinh tế gắn kết sẽ nhanh chóng và sâu rộng. Các doanh nghiệp cần được trang bị tốc độ, sự điều chỉnh và tùy biến. Tốc độ Hãy xem xét Amazon.com Inc. Mặc dù công ty này chắc chắn có thể được xem như là một tổ chức vững mạnh, nhưng sẽ sâu sắc hơn khi xem công ty này như cỗ máy gắn kết được trang bị bởi phần mềm và khả năng kết nối. Amazon tổ chức nhiều nhà cung cấp, dịch vụ logistics, và các nhà cung cấp dịch vụ vận tải, cơ chế truyền thông và dịch vụ kỹ thuật số (ví dụ như âm nhạc, phim ảnh, sách) vào một thị trường luôn thay đổi liên tục, nơi mà lĩnh vực bán lẻ đã thành công nhanh chóng. Amazon đang xác định lại tốc độ mà tại đó, các doanh nghiệp được tin tưởng rằng ​​sẽ đổi mới để đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng. Sự điều chỉnh Luôn có một cuộc chiến giữa các sản phẩm tốt nhất và các sản phẩm tất cả-trong-một. Các công nghệ ngày nay cho phép tích hợp hiệu quả các sản phẩm tốt nhất để mang lại các sản phẩm tất cả-trong-một. Ví dụ đầu tiên là công nghệ marketing. Có hàng trăm phần mềm như một dịch vụ[5] (SaaS) được chuyên môn hóa cao để tối ưu hóa mọi hoạt động chi tiết trong marketing, tạo ra sự cần thiết phải điều chỉnh liên tục công nghệ để chúng phù hợp với các chiến dịch và phát triển cùng các mối đe dọa cạnh tranh như những cuộc chiến giá cả. Nếu một doanh nghiệp cố tình bỏ qua những năng lực này, họ có thể chết một cách từ từ. Để tận dụng lợi thế của nhiều năng lực tập trung trong phạm vi hẹp và phát triển khi chúng thay đổi, các doanh nghiệp cần những dịch vụ điều chỉnh những năng lực này một cách tự động và thông minh. Chúng sẽ kết hợp những nguồn dữ liệu từ nhiều kênh bằng cách sử dụng các công cụ tổng hợp; đo lường ROI bằng cách sử dụng phần mềm quản lý hiệu quả marketing; tích hợp và tự động hoá các chiến dịch marketing tiếp diễn sử dụng các nền tảng tích hợp. Các công ty mang lại sự điều chỉnh như vậy cung cấp cả chiều rộng lẫn chiều sâu và sẽ có lợi thế cạnh tranh so với các doanh nghiệp truyền thống. Tùy biến Ít nhất là từ sau Cuộc cách mạng công nghiệp, quá nhiều tư duy kinh doanh đã được định hình theo nguyên tắc đơn giản về tính kinh tế theo quy mô: Khi bạn làm điều gì đó nhiều lần theo cùng một cách, mỗi trường hợp trở nên rẻ hơn. Làm ra một triệu chiếc áo thun và chi phí của mỗi cái nên thấp hơn; do đó bạn có thể cung cấp nó với chi phí ít hơn và giành chiến thắng trong thị trường. Nhưng điều gì xảy ra khi chi phí làm ra một cái áo thun cũng bằng chi phí làm ra một triệu chiếc áo này? Điều gì sẽ xảy ra khi chi phí cá thể hóa giảm xuống mức không, hoặc ít nhất là xuống dưới mức lợi ích bạn nhận được từ chúng? Với công nghệ như in 3D, dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động và có thể lập trình, và các hệ thống logistics năng động, nền kinh tế gắn kết có thể phát triển mà không cần đến nền kinh tế theo quy mô. Chẳng hạn như tập đoàn Ziel Inc. PBC có trụ sở tại New York, cung cấp sản phẩm may mặc theo yêu cầu với số lượng có thể thấp đến mức bằng một mặt hàng và thời gian thực hiện đơn hàng được tính bằng ngày. Các doanh nghiệp tận dụng những khả năng mới này không cần đầu tư vào hàng tồn kho hoặc bỏ lỡ các xu hướng ngắn hạn. Thay vào đó, họ có thể tạo ra cũng như đáp ứng đầy đủ những cơn sốt cầu, đáp ứng nhu cầu “cái đuôi dài” [6](long-tail) và thử nghiệm mà không phải tốn quá nhiều chi phí. Họ trở thành đối thủ đáng gờm. Hợp tác hoặc chết Sẽ là sai lầm khi các doanh nghiệp nghĩ rằng họ có thể sở hữu tất cả. Họ sẽ không thể làm điều đó. Để phát triển trong nền kinh tế gắn kết, sẽ cần phải từ bỏ một số lý tưởng ấp ủ, chẳng hạn như quyền sở hữu hoàn toàn khách hàng. Và sẽ cần chấp nhận những quan điểm không mấy dễ chịu, ví dụ như tiết lộ các năng lực như là các giao diện lập trình ứng dụng (APIs) mà không biết trước cách chúng sẽ được sử dụng như thế nào. Ví dụ, Uber Technologies Inc. vui mừng hỗ trợ bất kỳ việc sử dụng hợp lý hệ thống vận chuyển tự động và phi tập trung của công ty thông qua Uber API, Lái xe API và Giao hàng API của Uber mà không cần phê duyệt trước. Công ty hy vọng thị trường sẽ khám phá các ứng dụng mới, như cung cấp thức ăn, tri ân lái xe… tất nhiên điều này mang đến những dòng doanh thu mới và đề xuất các khoản đầu tư mới từ chính Uber. Công ty hạnh phúc hơn khi cho phép những người khác tạo ra (và sở hữu) các hành trình khách hàng của họ do API cung cấp, thay vì cố giữ lại toàn bộ quyền sở hữu khách hàng. Ngoài ra, Các dịch vụ web của Amazon (Amazon Web Services – AWS) cung cấp nhiều tính năng – mạng lưới, lưu trữ, tính toán, quản lý, cân bằng tải[7], giám sát… – hoàn toàn theo yêu cầu và hoàn toàn như các khối xây dựng API. Công ty cho phép bất cứ ai, từ các nhà phát triển đến các doanh nghiệp lớn kết hợp các tính năng bằng bất cứ cách nào họ thấy phù hợp. Công ty thậm chí còn cho phép các đối thủ lớn của Amazon như Netflix Inc., xây dựng toàn bộ các sản phẩm bằng các khối xây dựng AWS. Công ty không cố gắng bảo vệ cơ sở khách hàng của Amazon Prime Video bằng cách ngăn chặn việc Netflix sử dụng nền tảng AWS. Amazon đã nhận ra rằng thay vì đầu tư vào việc ngăn chặn các đối thủ cạnh tranh, thì tốt hơn là lấy tiền của những đối thủ cạnh tranh trong khi họ tìm hiểu liệu nên hợp tác hay cạnh tranh (hoặc cả hai). Cuối cùng, Netflix đang tìm hiểu cách gắn kết các mảng nội dung khác nhau – các trải nghiệm quan sát, các luồng phản hồi và tương tác của thiết bị – vào những mẫu tiêu thụ cá thể hoá cao mà phù hợp với phong cách sống của mọi người. Bất cứ sự kết hợp của các khối xây dựng nào được chứng minh là có giá trị là một ứng cử viên để Amazon tự mình cung cấp như một sản phẩm mới, và sau đó nó trở thành một khối xây dựng mới (theo kiểu hỗn hợp) mà sẽ được sử dụng để làm cơ sở xây dựng sản phẩm kế tiếp. Để tiến thêm một bước xa hơn, mạng xã hội như Facebook có thể hợp tác với các tổ chức tài chính để chia sẻ thông tin lẫn nhau nhằm cung cấp cho khách hàng các cung cấp tùy biến. Facebook có thể tích hợp các dịch vụ tài chính từ nhiều tổ chức và chia sẻ nó trong các nội dung dữ liệu (Feed của Facebook), trở thành nhà cung cấp các công cụ tài chính đáng tin cậy trong khi vẫn giữ người sử dụng trong các bức tường ảo. Các tổ chức tài chính có thể tập hợp thông tin người dùng như thói quen chi tiêu để suy đoán ý định và mục tiêu của người dùng; và thu hút khách hàng mới thông qua Facebook. Cuối cùng, thay vì bằng cách nào đó thuyết phục người dùng trở thành khách hàng tài chính của Facebook hoặc của các tổ chức tài chính, cả hai đều trở thành các khối xây dựng của nhau. Xét cho cùng, mỗi đối tượng lắp ráp của các khối xây dựng sẽ tự trở thành một khối xây dựng trong chuỗi lắp ráp của người khác. Từ Trải nghiệm sang Gắn kết Tất cả các giai đoạn kinh tế đều được hỗ trợ công nghệ, và nền kinh tế gắn kết cũng không ngoại lệ. Với hàng trăm nghìn nhà cung cấp ngách và quyền để lựa chọn từ những nhà cung cấp đó, cần phải có một cách để khám phá, sử dụng và ghép họ vào các sự kết hợp khác nhau để tạo ra những sản phẩm mới. Phần mềm và tính kết nối là nhân tố hỗ trợ quá trình chuyền đổi sang nền kinh tế gắn kết. Niềm vui khi mọi thứ được sắp xếp và “đúng việc” sẽ thúc đẩy sự gắn kết từ công nghệ tiên tiến nhất tới xu hướng chủ đạo trong các đơn hàng ngắn một cách sửng sốt. Chúng ta đã chứng kiến hiện tượng này trước đây trong sự trỗi dậy nhanh chóng của ô tô, internet, và iPhone. Một khi bạn đã có nó, bạn không thể tưởng tượng cuộc sống bạn sẽ như thế nào nếu không có nó. Hoạt động kinh tế sẽ thay đổi theo. Không giống như nền kinh tế trải nghiệm, sự thành công trong nền kinh tế gắn kết phụ thuộc vào sự hợp tác giữa vô số những người chơi. Những người chiến thắng sẽ không phải là những người tạo ra các hệ sinh thái khép kín – đặc trưng bởi “tính tương thích với hệ thống X” hoặc “hoạt động tốt nhất với trung tâm Y.” Thay vào đó, các công ty đưa ra những dịch vụ theo những cách dễ – để – lắp ráp và với những kế hoạch kiếm tiền nhạy bén sẽ được người khác lựa chọn nhiều lần khi tạo ra các dịch vụ gắn kết. Người tiêu dùng sẽ chú ý và sẽ lựa chọn những thương hiệu có xu hướng hiệu quả tốt với mọi thứ. Do đó, lợi thế lớn sẽ đổ dồn về phía các doanh nghiệp có thể khiến việc sử dụng các dịch vụ theo cách tự động trở nên dễ dàng. Chìa khóa cho điều này là API, “công cụ” máy tính có thể truy cập mà nhờ nó, một dịch vụ có thể được sử dụng. Trong thập kỷ qua, quá nhiều dịch vụ đã nảy sinh từ định vị (geolocation) [8] đến thanh toán, vận chuyển, tất cả đều có thể truy cập thông qua API. Có hơn 18.800 dịch vụ mở API và một lượng lớn hơn đó rất nhiều đang tồn tại hoặc đang được xây dựng đằng sau các bức tường doanh nghiệp. Chiều rộng và chiều sâu của hệ sinh thái API đang tạo ra một hiệu ứng mạng lưới, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế gắn kết. Một hiệu ứng mạng lưới xảy ra khi bằng cách nào đó, một mạng lưới các thành phần và các người chơi được kết nối với nhau, sao cho bất kỳ thành viên mới nào cũng hưởng lợi từ những người trong mạng lưới đó và ngược lại. Những mạng lưới này không dễ dàng khởi động. Các thành viên đầu tiên thu được ít giá trị. Nhưng khi các mạng lưới đạt được số lượng tới hạn, chúng cực kỳ có giá trị – và chỉ cần nhìn vào Facebook. Các hiệu ứng mạng lưới đã đóng một vai trò quan trọng trong mỗi giai đoạn kinh tế và sẽ một lần nữa như vậy trong nền kinh tế gắn kết. Với rất nhiều dịch vụ có sẵn như API, nhiều công ty nhận ra rằng việc tập hợp các dịch vụ gắn kết sẽ dễ dàng hơn khi xây dựng các mạng lưới ứng dụng, nơi mà các ứng dụng, dữ liệu và thiết bị có thể được kết nối và ngắt kết nối dễ dàng khi điều kiện thị trường thay đổi. Điều này giúp loại bỏ sự cần thiết phải luôn xây dựng các dịch vụ và trải nghiệm mới từ con số không, một điều tốn thời gian và chi phí. Tất nhiên, điều đó khuyến khích các nhà cung cấp API và dẫn dắt những người khác tạo ra các API mới hoặc tiết lộ các khả năng hiện có của họ thông qua các API. Đổi lại, các doanh nghiệp sử dụng API nhận ra rằng họ phải gia tăng các API của chính họ để kiếm tiền từ các năng lực của mình hoặc ít nhất để giúp họ kiếm tiền từ chúng dễ dàng hơn, và nhờ đó hệ sinh thái API này phát triển. Nền tảng cho nền kinh tế gắn kết đã được thiết lập. Mọi ngành công nghiệp, từ dược phẩm, marketing, sản xuất cho đến quân đội, đã phát triển nhiều khả năng siêu chuyên môn hóa. Mọi khía cạnh của các ngành công nghiệp này đã trở thành, hoặc đang nhanh chóng trở thành các lĩnh vực được hỗ trợ và định hướng bởi phần mềm. Các hệ thống phần mềm, cảm biến, bộ truyền động, và các thiết bị di động đều được kết nối thông qua mạng lưới và tiếp xúc qua các API. Chi phí đã giảm. Công việc và cuộc sống cá nhân của chúng ta đã được lan truyền hoàn toàn bởi thế giới kỹ thuật số, giúp công nghệ tác động sâu sắc hơn đến cuộc sống của chúng ta. Một cuộc cách mạng kinh tế xảy ra không phải tại thời điểm một sự đổi mới trở nên khả thi, mà là khi nó trở thành thực tế. Chúng ta đang đến gần với một nền kinh tế mới. Người dịch: Hồng Vân [1] Hành vi tư phát: là hành vi của một hệ thống không phụ thuộc vào các bộ phận riêng lẻ của nó phụ thuộc vào mối quan hệ với những người khác. Do đó hành vi tư phát không thể dự đoán được bằng cách kiểm tra các bộ phận cá thể của hệ thống. Nó chỉ có thể được dự đoán, quản lý, hoặc kiểm soát bằng cách hiểu các phần và mối quan hệ của chúng. Hành vi tự phát còn được gọi là tính đột phá, hành vi đột phá, hoặc “tính toàn bộ lớn hơn tổng của các bộ phận”. [2] Kết quả sức khỏe các hoạt động chăm sóc sức khoẻ có ảnh hưởng đến con người – về các triệu chứng, khả năng làm những gì họ muốn và cuối cùng là liệu họ có sống hay chết. Kết quả sức khoẻ bao gồm việc đưa ra một tiến trình trị bệnh nào đó có tốt hơn hay tệ hơn, chi phí chăm sóc là gì và mức độ hài lòng của bệnh nhân với sự chăm sóc mà họ nhận được. Nó không chỉ tập trung vào những việc thực hiện cho bệnh nhân mà còn cả  kết quả từ những gì được thực hiện. [3] Đề xuất giá trị là “một tuyên bố đơn giản, rõ ràng về lợi ích, cả hữu hình lần vô hình, mà công ty sẽ cung cấp, cùng với khoảng giá công ty áp dụng cho mỗi phân khúc khách hàng để được hưởng những lợi ích đó” [4] Luồng phản hồi (Feedback loops): Một hệ thống để cải tiến sản phẩm, qui trình, v.v … bằng cách thu thập và phản hồi với nhận xét của người dùng: [5] Phần mềm như một dịch vụ (Saas): SaaS là một mô hình phân phối dịch vụ ứng dụng phần mềm trong đó các nhà cung cấp phần mềm phát triển ứng dụng phần mềm trên web, sau đó cho phép khách hàng sử dụng nó qua Internet (có thể độc lập hoặc qua 1 bên thứ 3). Khách hàng không phải trả tiền để sở hữu nó nhưng phải trả tiền để sử dụng nó. [6] Cái đuôi dài: là hình thức kinh doanh dựa trên 80% bị đánh giá kém còn lại của thị trường, cái mà trước đây các doanh nghiệp không lựa chọn vì cho rằng những giá trị này đem về hiệu quả rất ít hoặc thậm chí không có hiệu quả. [7] Cân bằng tải: là một tính năng công nghệ rất quan trọng trong ngành mạng máy tính, giúp các máy chủ ảo hoạt động đồng bộ và hiệu quả hơn thông qua việc phân phối đồng đều tài nguyên. [8] Geolocation là một API mới của HTML5 cho phép bạn truy cập vào vị trí hiện tại của bạn trên thiết bị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *