Tác giả: Bob Moritz
Chủ tịch toàn cầu của PwC
Bài báo này là một phần của Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới
Bạn không cần phải nhìn đâu xa để tìm kiếm dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong thời kỳ hỗn loạn. Sự bất ổn về địa chính trị, các cuộc tấn công mạng và việc làm bị đe dọa bởi trí thông minh nhân tạo chỉ là một vài trong số những chủ đề đã thống trị năm 2017. Nhưng mặc dù có những dấu hiệu báo trước cho sự ảm đạm, một tỷ lệ phần trăm lớn chưa từng thấy của các CEO nói rằng họ cảm thấy lạc quan về môi trường kinh tế trên toàn thế giới, ít nhất là trong ngắn hạn. Đó là một trong những phát hiện của cuộc khảo sát các CEO trên toàn cầu mới nhất của PwC, báo cáo này được ra mắt tại Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos trong tuần này. Ông Moritz muốn tập trung vào ba điểm nổi bật như dưới đây:
- Sự lạc quan trong ngắn hạn của các CEO tăng lên
Báo cáo khảo sát của năm nay cho thấy sự gia tăng kỷ lục về mức độ tự tin cao hơn bao giờ hết của các CEO về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm tới. Lần đầu tiên kể từ khi PwC đặt câu hỏi vào năm 2012, đa số (tức 57%) các CEO được khảo sát cho biết họ tin rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ “cải thiện”. Đáng chú ý rằng sự lạc quan chưa từng có này là gấp hai lần so với năm trước và thực sự xảy ra trên toàn cầu toàn cầu – từ Bắc Mỹ đến Tây Âu và Trung/Đông Âu, cũng như ở Châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông và Châu Á-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, sự tự tin này đã giảm xuống khi PwC hỏi các CEO về tăng trưởng của chính công ty họ trong ba năm tới. Trong khi năm vừa qua, 51% người được hỏi cho biết họ “rất tự tin” về triển vọng tăng trưởng dài hạn của tổ chức thì chỉ 45% số người được hỏi chia sẻ giống như vậy trong năm nay.
Có lẽ các CEO có lý do chính đáng để cảm thấy rằng tương lai là rất khó để dự đoán hơn trước đây. Với sự đổi mới về công nghệ và khả năng không thể dự đoán được về địa chính trị đang gần như trở nên phổ biến, sự tự tin dài hạn có lẽ sẽ ngày càng khó có được.
- Tập trung vào các khía cạnh tích cực về địa chính trị
Trong ngắn hạn, sự lạc quan của CEO dường như không bị cản trở bởi những sự thay đổi lớn như: sự kiện Brexit, sự rút lui của chính quyền Tổng thống Trump khỏi các hiệp định thương mại và thỏa thuận về khí hậu, và sự lo lắng ngày càng tăng đối với Bắc Triều Tiên. Không nản chí, các CEO vẫn tiếp tục đầu tư và phát triển doanh nghiệp của họ.
Nói một cách đơn giản, năm 2017 dường như là năm tốt nhất đối với nền kinh tế toàn cầu kể từ 2010. Kể từ khi chúng ta bắt đầu một năm mới, giá hàng hóa toàn cầu đã hồi phục từ đáy và các nền kinh tế lớn trên thế giới đang tăng trưởng. Ngay cả nền kinh tế Anh dường như vẫn duy trì mặc dù sự kiện Brexit. Xu hướng đi lên này đã sẵn sàng để tiếp tục trong năm 2018, PwC dự đoán rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng gần 4% sức mua tương đương (PPP) trong năm nay.
Ở Hoa Kỳ, các chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (pro-business) của chính quyền Tổng thống Trump – với những ngoại lệ đáng chú ý về thương mại và nhập cư – dường như đang thúc đẩy sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, niềm tin doanh nghiệp (corporate confidence) và tỷ lệ thất nghiệp thấp. Với sự cắt giảm sâu thuế doanh nghiệp, sự bãi bỏ các quy định và việc chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đã được lên kế hoạch cho năm 2018, không có gì ngạc nhiên khi các CEO ở khu vực Bắc Mỹ là những người tự tin nhất: hơn một nửa (tức 53%) các CEO từ khu vực này “rất tự tin” về sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong 12 tháng tới.
Chỉ có thời gian mới cho thấy niềm tin ngắn hạn của các CEO là có cơ sở như thế nào nhưng những chỉ số kinh tế đang đứng về phía họ, với sự bùng nổ thị trường chứng khoán và tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo mạnh mẽ ở hầu hết các thị trường chính. Thêm vào đó, khi các rủi ro dường như gia tăng và nhân lên, một mặt, các CEO đang dần trở nên quen hơn với mức độ rủi ro cao; mặt khác, họ cũng tìm cách để kiểm soát chúng. Dù có rất nhiều lỗ hổng tiềm ẩn trong con đường phía trước đối với doanh nghiệp nhưng các CEO đã dần có thể dự đoán tốt hơn họ đang ở đâu và điều hướng xung quanh họ.
- Làm chủ công nghệ
Công nghệ đang ảnh hưởng đến các doanh nghiệp theo nhiều cách khác nhau và rất phức tạp. Bởi chúng ta đang vượt qua thời đại kỹ thuật số, các chiến lược kinh doanh về công nghệ là không ổn định, và những con số cũng cho thấy điều đó. Một mặt, những tiến bộ về công nghệ – như các nguy cơ tấn công mạng và tốc độ thay đổi bất ngờ – đều nằm trong danh sách những mối quan ngại khiến các CEO thao thức hàng đêm. Năm trước, 24% các CEO đã nói rằng họ “quan ngại sâu sắc” đến các nguy cơ tấn công mạng, nhưng con số này đã tăng vọt lên 40% trong năm nay. Ngược lại, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng tính kết nối phổ cập là lợi ích chủ yếu của toàn cầu hóa.
Không còn nghi ngờ gì về tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là rất lớn, có tiềm năng làm biến đổi doanh nghiệp và xã hội nói chung. Báo cáo về AI trên toàn cầu của PwC gần đây dự đoán rằng AI sẽ đóng góp thêm 15.700 tỷ USD vào GDP toàn cầu vào năm 2030. Tuy nhiên, những lợi ích này sẽ không được chia sẻ một cách đồng đều: Mỹ và Trung Quốc được dự kiến sẽ chiếm 70% trong sự bùng nổ này. Cũng sẽ có người thắng và thua trong thị trường việc làm khi máy móc có thể thay thế nguồn lao động giá rẻ. Một số công việc sẽ trở nên dư thừa và những công việc mới sẽ được tạo ra. Tuy nhiên, trong khi các CEO chú ý tới những lợi ích tiềm năng của AI, họ cũng cảm thấy thoải mái hơn về sự tác động lên việc làm của AI, với số lượng ít hơn tức là chỉ một trên năm CEO được hỏi dự kiến sẽ giảm số lượng nhân viên trong 12 tháng tới.
Mặc dù, quan điểm của các CEO nhìn chung là tích cực, các dấu hiệu ngày càng cho thấy một “thế giới bị phân mảnh” (fragmented world), bị chia cắt bởi các hệ thống niềm tin (belief system) khác nhau, các khối thương mại (trading bloc) và các mô hình kinh tế, cùng với sự gia tăng chủ nghĩa dân tộc (nationalism). Các CEO đồng ý rằng ngay cả những số liệu được sử dụng để đo lường sự thịnh vượng cũng đang ngày càng trở nên phức tạp hơn. Không gian mạng (cyberspace) và sự hội nhập doanh nghiệp (corporate integration) là những ngoại lệ duy nhất đối với sự phân tán đang ngày càng tăng này, công việc của PwC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới là để tạo ra một tương lai hoàn hảo chung trong một thế giới bị phân mảnh.
Ngày nay, các CEO/ nhà điều hành doanh nghiệp đang ngày càng phải đối mặt với hậu quả của những biến động xã hội lớn; toàn cầu hóa, tiến bộ công nghệ, và sự tập trung tài chính đã góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu-nghèo và càng làm phân mảnh thế giới hơn. Để tìm hiểu chi tiết hơn về cuộc khảo sát thường niên về các CEO toàn cầu lần thứ 21 của PwC, sự lạc quan của các CEO này về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018, và lời khuyên từ PwC cho các CEO trên toàn cầu để ngăn chặn sự chia rẽ đang ngày càng gia tăng này, hãy tải bản báo cáo chi tiết trong phần tài liệu đính kèm như dưới đây.
Người dịch: Minh Huyền