Phát triển bền vững, Tin tức
8 bài học về khả năng lãnh đạo từ lịch sử
Ngày xuất bản: 15/01/2017
Tác giả: Margaret MacMillan
Hiệu trưởng trường đại học St Antony, Đại học Oxford
Bài báo này là một phần của Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.
Lịch sử đưa ra nhiều ví dụ về các nhà lãnh đạo tài giỏi đã để lại dấu ấn của mình, dù đó là dấu ấn tốt hay xấu. Họ là Tướng Napoleon, Nữ hoàng Võ Tắc Thiên, Tổng thống Franklin D. Roosevelt, Nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Oliver Cromwell (Anh), Akbar Đại đế (Ấn Độ), Cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô Stalin.
Nhưng điều mà quá khứ không làm là đưa ra một công thức kỳ diệu để làm thế nào có thể trở thành một nhà lãnh đạo thành công. Tìm kiếm những bài học rõ ràng trong lịch sử là vô ích: có quá nhiều bài học và ý nghĩa của chúng luôn luôn gây tranh cãi. Tuy nhiên, lịch sử có thể hữu dụng trong việc gợi ra các hình mẫu và sự tương đồng, dấy lên các vấn đề và quan trọng không kém là đưa ra những cảnh báo về việc tại sao mọi thứ lại thất bại.
Vì vậy ở đây, một nhà sử học đưa ra một số lời khuyên, trước tiên là khám phá điều gì giúp tạo nên một nhà lãnh đạo thành công và, thứ hai là cảnh báo về những gì có thể mang lại thất bại.
Bạn phải mong muốn làm lãnh đạo
Việc lãnh đạo có thể là niềm vui, thường thú vị, nhưng lại cũng cô đơn. Khát vọng và quyết tâm để thành công có thể phải hy sinh bạn bè và gia đình. Hãy nghĩ đến biết bao nhiêu đứa trẻ của những người đàn ông vĩ đại đã và đang có cuộc sống không hạnh phúc. Sự cô đơn là lý do tại sao các chính khách lại thích những cuộc hội nghị: họ gặp được những người hiếm hoi khác mà cũng phải đối mặt với những áp lực và trách nhiệm tương tự.
Tại Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, David Lloyd George [1]của Anh, Georges Clemenceau[2] của Pháp và Woodrow Wilson[3] của Hoa Kỳ đã nói chuyện về những ước mơ và chia sẻ nỗi sợ thất bại của họ. Họ cũng có thêm điểm chung là khả năng tự cải thiện bản thân sau những khó khăn và tiếp tục tiến lên.
Phát triển những người chủ chốt để duy trì sự ủng hộ
Những người nên duy trì sự ủng hộ có thể khác nhau: trong một nền dân chủ, các nhà lãnh đạo cần phải lo lắng về số lượng phiếu bầu và việc tái đắc cử; trong một nhà nước độc tài, các nhà lãnh đạo có thể chỉ tập trung vào việc duy trì sự ủng hộ của một số thể chế nhất định bên cạnh, ví dụ như quân đội hoặc các cơ quan mật vụ.
Khi Bismarck[4] thành lập nước Đức, ông cần một người đứng trên mọi người: Vua Wilhelm Prussian[5]. Đó không phải là một mối quan hệ dễ dàng – Wilhelm phàn nàn rằng rất khó khăn khi làm vua dưới trướng Bismarck – nhưng cuối cùng ông đã ủng hộ người Thủ tướng xuất sắc của mình, người đã đưa ông trở thành Hoàng đế của nước Đức. Trong nền dân chủ, các nhà lãnh đạo chính trị phải xây dựng các liên minh ổn định. Sau cuộc Đại suy thoái (the Great Depression[6]) ở Hoa Kỳ, các đảng viên đảng dân chủ đã tập hợp những người da trắng ở miền Nam (Southern Whites), những người da đen ở miền Bắc (Northern Blacks), các tầng lớp lao động và những người theo chủ nghĩa tự do, và tất cả những người đó đã hoàn toàn phụng sự họ trong nhiều thập kỷ.
Sẽ dễ dàng hơn khi bạn là một người có khả năng giao tiếp tốt
Trên hết, điều đó có nghĩa là bạn phải hiểu khán giả của mình.
Lloyd George, một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất của Anh đã từng nói: “Tôi đưa tay ra với mọi người và kéo họ về phía tôi. Sau đó, mọi người dường như là những đưa trẻ”. Ngày nay lối nói hoa mỹ của Winston Churchill [7] trong Thế chiến thứ hai[8] nghe có vẻ phóng đại, nhưng đó là những gì mà người Anh cần vào lúc đó.
Và có gì đó để chia sẻ sẽ thực sự tạo ra sự khác biệt. Trong những lần nói chuyện trên sóng phát thanh Fireside Chat trong những năm 1930 và 1940, Tổng thống Roosevelt [9] đã trấn an người dân Mỹ về tình trạng của quốc gia và giúp họ làm quen với ý nghĩ rằng Hoa Kỳ có thể phải chiến đấu với các “thế lực bóng tối” (dark forces) đang tụ họp ở Châu Âu và vùng Viễn Đông[10].
Cũng sẽ dễ dàng hơn khi bạn biết lắng nghe
Trong cuộc Khủng hoảng tên lửa Cuba[11], có lẽ đó là khoảng thời gian đáng sợ nhất của Chiến tranh Lạnh[12], Tổng thống John F. Kennedy[13] đã cố chấp khi nghe các quan điểm khác nhau của các cố vấn trước khi quyết định làm thế nào để giải quyết thách thức Xô viết[14] ở Cuba. (Điều thú vị là ông ta cũng đã đọc cuốn sách kinh điển của Barbara Tuchman[15] về sự bùng nổ của Chiến tranh Thế giới thứ nhất[16], cho thấy các nhà lãnh đạo có thể mắc sai lầm và vướng vào một cuộc xung đột mà họ không thực sự mong muốn như thế nào).
Kennedy cũng chứng minh rằng việc lựa chọn cấp dưới giỏi và độc lập là một biện pháp bảo vệ khỏi việc đưa ra các quyết định tồi.
Nếu bạn có thể cảm nhận được hướng mà dòng lịch sử đang chảy, bạn sẽ có thể kiểm soát được chúng
Câu nói nổi tiếng của Bismarck là: một chính khách “phải đợi cho đến khi nghe thấy tiếng bước chân của Chúa qua các sự kiện, lúc đó hãy nhảy lên và nắm chặt lấy viền áo của ngài”. Và ông đã làm như vậy khi lãnh đạo quân đội băng qua “bàn cờ” châu Âu để tạo ra Đế quốc Đức mới.
Các nhà lãnh đạo thành công có thể kiểm soát cả những vấn đề hằng ngày đè nặng lên họ và cả bức tranh tổng thể. Đó là khi kiến thức về lịch sử giúp đỡ bạn, bởi nó chỉ ra hình mẫu ở giữa những “tạp âm” của những sự kiện hiện tại và nhắc nhở về các cơ hội có thể xảy ra hơn là những thứ chúng ta đã quen thuộc.
Và bây giờ là một số cảnh báo dành cho bạn:
Hãy coi chừng những cái bẫy mà quyền lực đặt ra
Người Pháp nói về “déformation professionnelle”, có nghĩa là nghề nghiệp hoặc công việc của bạn có thể làm thiên lệch khả năng đánh giá một cách tinh vi, do vậy bạn chỉ nhìn các sự vật từ một góc độ.
Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, Bộ tổng tham mưu Đức đã được thông báo để xây dựng kế hoạch đảm bảo chiến thắng của Đức, chống lại Pháp và Nga cùng một lúc nếu cần thiết. Họ đã đề xuất một kế hoạch thông minh và chi tiết để tấn công phòng ngự chống lại Nga ở phía Đông và đưa lượng lớn lực lượng chống lại Pháp ở phía Tây, dẫn đến sự đầu hàng nhanh chóng của Pháp. Quân đội Đức sẽ xâm chiếm nước Bỉ đang ở thế trung lập trên đường tới Paris vì nó mang ý nghĩa quân sự. Tuy nhiên, về mặt chính trị, đó là một quyết định cực kỳ tồi tệ. Việc Đức vi phạm tình trạng trung lập của nước Bỉ đã buộc Anh nhảy vào cuộc chiến, và việc này gần như đảm bảo Đức sẽ thất bại.
Quyền lực cũng rất nguy hiểm, bởi vì những người có nó bắt đầu có suy nghĩ rằng họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn. Hãy nghĩ đến Richard Nixon[17] cố gắng sử dụng các thể chế của chính phủ Hoa Kỳ để dập tắt vụ bê bối Watergate[18] hoặc cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong những năm 1960, Hoa Kỳ là cường quốc kinh tế và quân sự mạnh nhất trên thế giới. Các nhà lãnh đạo của nước này cho rằng họ có thể dễ dàng áp đảo phía Bắc Việt Nam và đưa các nhà lãnh đạo tới bàn đàm phán. Họ không bận tâm để tự hỏi liệu những kẻ thù của họ (và các đồng minh Việt Nam của họ) có thể có những ý kiến khác nhau hay không. Robert McNamara, người từng là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng vào thời điểm đó, sau đó nói, “Những đánh giá sai lầm của chúng ta về bạn và thù theo cách giống nhau đã phản ánh sự thiếu hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hoá và chính trị của người dân trong khu vực đó, cũng như tính cách và tập quán của các nhà lãnh đạo của họ.”
Đừng tin vào công tác tuyên truyền của chính bạn
Tại Rome cổ đại, khi một nhà lãnh đạo thành công đang tận hưởng một cuộc diễu hành mừng chiến thắng, một nô lệ đứng lại phía sau ông và thì thầm vào tai: “Hãy nhớ rằng ông chỉ là con người.” Mustafa Kemal Ataturk[19], quốc phụ của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, là nhà lãnh đạo hiếm có dù sở hữu quyền lực lớn nhưng vẫn nhận thức được những hạn chế của mình. Người ta kể lại rằng ông ấy đã ban hành một chỉ đạo, bất kể mệnh lệnh nào được ông đưa ra vào buổi tối – khi ông đang tận hưởng bữa tiệc rượu với bạn bè của mình – nên được bỏ qua.
Lịch sử vẫn còn nhiều ví dụ về các nhà lãnh đạo với niềm tin rằng khả năng không bao giờ sai lầm của họ tăng lên tỷ lệ với quyền lực của họ. Với phần lớn châu Âu nằm dưới chân mình, Napoleon[20] bắt đầu nghĩ ông là bất khả chiến bại. Ông nhận ra mình bị sa lầy vào cuộc chiến tranh vô nghĩa và tốn kém ở Tây Ban Nha. Sau đó, để bắt ép sa hoàng Tsar Alexander[21] trẻ tuổi phải phục tùng mình, ông đã xâm chiếm Nga, sai lầm này đã dẫn tới sự sụp đổ sau cùng của ông.
Adolf Hitler[22] đã có một loạt thành công – chiếm đoạt Áo và Tiệp Khắc[23], đánh bại Pháp, phân chia trung tâm của châu Âu với Liên bang Xô Viết – điều đó làm ông tin rằng mình không thể sai lầm.
Chống lại lời khuyên của các tướng lĩnh, ông đã nối gót Napoléon tiến vào Nga. Khi quân đội Đức gặp phải cuộc kháng chiến, Hitler đã không cho phép họ rút lui. Đó là khởi đầu cho sự kết thúc.
Nên biết khi nào cần bước xuống
Việc từ bỏ quyền lực là một trong những điều khó thực hiện nhất. Thậm chí, như câu chuyện cổ xưa kể lại, các nghĩa địa đầy những người mà bia mộ của họ được tạc dòng chữ: “Họ đã nghĩ họ là không thể thiếu.” Ở thế kỷ thứ 16, Hoàng đế Charles V[24] đã tự nguyện từ bỏ tước vị Hoàng đế của đế quốc La mã thần thánh (Holy Roman Emperor) và nghỉ hưu ở một tu viện, hành động này của ông là rất lạ thường.
Thông thường, các nhà lãnh đạo đã lựa chọn tiếp tục khi họ cần phải từ bỏ. Mặc dù không cố ý, họ thường phá hỏng nhiều tác phẩm của chính mình và gây ra vấn đề khó khăn cho những người kế nhiệm họ. Winston Churchill khi đã già và ngày càng yếu ớt không nên cố gắng trở thành Thủ tướng một lần nữa vào năm 1951. Chính phủ của ông đã bị phó mặc, trong khi người kế nhiệm được ông lựa chọn là Anthony Eden ngày càng cảm thấy bất công.
Lời cuối cùng: Bạn có thể có tất cả những phẩm chất giúp làm nên một nhà lãnh đạo tuyệt vời – từ sự quyết đoán đến tầm nhìn để chuyển hướng khả năng – nhưng nếu bạn không có may mắn và thời điểm thích hợp, bạn sẽ không bao giờ có cơ hội thể hiện những gì bạn có thể làm.Nếu không có cuộc Cách mạng Pháp[25] lật đổ trật tự cũ và mở ra sự tiến bộ nhanh chóng cho những người đàn ông tài năng, thì Napoleon sẽ vẫn còn chưa được biết đến. Nếu chế độ Sa Hoàng[26] ở Nga đã không sụp đổ trong Thế chiến thứ nhất, một người lưu vong nghèo khó có tên là Vladimir Lenin[27] sẽ không bao giờ có cơ hội thực hiện cuộc đảo chính (coup d’état) ở St Petersburg, điều này đã tạo ra quyền lực cho đảng Cộng Sản Nga (Bolshevik)[28] nhỏ bé của ông trong 70 năm tiếp theo. Vì vậy, nếu tôi có một lời khuyên cho những người muốn trở thành nhà lãnh đạo, thì đó sẽ là hãy đọc lịch sử.
Người dịch: Minh Huyền
[1] David Lloyd George, Bá tước thứ nhất Lloyd-George của Dwyfor (sinh ngày 17 tháng 1 năm 1863 – mất ngày 26 tháng 3 năm 1945) là Thủ tướng Anh trong nửa cuối của thế chiến I. Ông giữ cương vị Thủ tướng Anh trong sáu năm, giữa năm 1916 và năm 1922.
[2] Georges Benjamin Clemenceau (28 tháng 9 năm 1841 – 24 tháng 11 năm 1929) là một chính trị gia người Pháp, cũng là một nhà vật lý, nhà báo. Clemenceau từng giữ vị trí Thủ tướng Pháp trong khoảng thời gian 1906-1909 và 1917-1920, là người đã đưa nước Pháp đến thắng lợi trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.
[3] Thomas Woodrow Wilson (28 tháng 12 năm 1856–3 tháng 2 năm 1924), là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 28. Là một người mộ đạo Giáo hội Trưởng Lão và là nhà trí thức hàng đầu của Thời kỳ tiến bộ, ông đã làm chủ tịch của Đại học Princeton và sau đó là một thống đốc cải tổ của tiểu bang New Jersey năm 1910.
[4] Otto Eduard Leopold von Bismarck (1 tháng 4 năm 1815 – 30 tháng 7 năm 1898) là một chính khách Phổ, Thủ tướng đầu tiên của Đế quốc Đức, nổi bật vì đã chi phối nước Đức và châu Âu bằng chính sách đối ngoại thực dụng từ năm 1862 đến năm 1890, khi bị vua Wilhelm II ép thôi việc.
[5] Friedrich Wilhelm Viktor Abert von Hohenzollern, Wilhelm II của Phổ và Đức, là vị Hoàng đế cuối cùng của Đế quốc Đức, đồng thời cũng là vị Quốc vương cuối cùng của Vương quốc Phổ, trị vì từ năm 1888 cho đến năm 1918.
[6] Đại khủng hoảng (The Great Depression), hay còn gọi là “Đại suy thoái”, là thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra từ năm 1929 đến hết các năm 1930 và lấn sang đầu thập kỷ 1940, bắt đầu sau sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Phố Wall vào 29 tháng 10 năm 1929 (còn được biết đến như Thứ Ba Đen tối).
[7] Sir Winston Leonard Spencer-Churchill (30 tháng 11 năm 1874 – 24 tháng 1 năm 1965) là một nhà chính trị người Anh, nổi tiếng nhất với cương vị Thủ tướng Anh trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai.
[8] Chiến tranh thế giới thứ hai là cuộc chiến thảm khốc bắt đầu từ năm 1939 và chấm dứt vào năm 1945 giữa các lực lượng Đồng Minh và phe Trục theo chủ nghĩa phát xít. Hầu hết mọi lục địa trên thế giới đều bị ảnh hưởng ngoại trừ châu Nam Cực và Nam Mỹ. Cho đến hiện nay, nó là cuộc chiến rộng lớn và tai hại nhất trong lịch sử nhân loại.
[9] Franklin Delano Roosevelt (30 tháng 1 năm 1882 – 12 tháng 4 năm 1945, thường được gọi tắt là FDR) là Tổng thống Hoa Kỳ thứ 32 và là tổng thống Hoa Kỳ duy nhất được bầu hơn hai nhiệm kỳ. Ông lãnh đạo Hoa Kỳ qua Chiến tranh thế giới thứ hai, mất khi đang bắt đầu nhiệm kỳ thứ tư của mình khi chiến thắng Đức và Nhật gần kề một bên.
[10] Viễn Đông là một từ dùng để chỉ các quốc gia Đông Á.
[11] Khủng hoảng tên lửa Cuba (tiếng Anh: Cuban Missile Crisis hay còn được biết với tên gọi Khủng hoảng tháng 10 tại Cuba) là cuộc đối đầu giữa Liên Xô – Cuba với Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1962 trong thời Chiến tranh Lạnh.
[12] Chiến tranh Lạnh (1946–1989) là tình trạng tiếp nối xung đột chính trị, căng thẳng quân sự, và cạnh tranh kinh tế tồn tại sau Thế chiến II (1939–1945), chủ yếu giữa Liên bang Xô viết và các quốc gia vệ tinh của họ, với các cường quốc thuộc thế giới phương Tây, gồm cả Hoa Kỳ.
[13] John Fitzgerald Kennedy (29 tháng 5 năm 1917 – 22 tháng 11 năm 1963), thường được gọi là Jack Kennedy hay JFK, là tổng thống thứ 35 của Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ, tại nhiệm từ năm 1961 đến năm 1963.
[14] Liên Xô, tên đầy đủ là Liên bang các nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, là một cựu quốc gia có lãnh thổ chiếm phần lớn châu Âu và châu Á, tồn tại từ 30 tháng 12 năm 1922 cho đến khi chính thức giải thể vào ngày 25 tháng 12 năm 1991.
[15] Barbara W. Tuchman (30/01/1912 – 06/02/1989) là một nhà sử học và nhà văn người Mỹ
[16] Chiến tranh thế giới thứ nhất, diễn ra từ 28 tháng 7 năm 1914 đến 11 tháng 11 năm 1918, là một trong những cuộc chiến tranh quyết liệt, quy mô to lớn nhất trong lịch sử nhân loại; về quy mô và sự khốc liệt nó chỉ đứng sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
[17] Richard Milhous Nixon (9 tháng 1 năm 1913 – 22 tháng 4 năm 1994) là tổng thống thứ 37 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhiệm kỳ tổng thống của ông bắt đầu từ năm 1969, kết thúc khi ông từ chức vào năm 1974, khiến ông là tổng thống duy nhất từ chức trong lịch sử Hoa Kỳ.
[18] Vụ Watergate là một vụ bê bối chính trị trên chính trường Mỹ, từ năm 1972 đến năm 1974, dẫn đến việc Tổng thống Richard Nixon phải từ chức. Vụ việc xảy ra vào thời điểm Chiến tranh Việt Nam, khi chính quyền Nixon đã lạm dụng quyền lực để ngăn cản phong trào phản chiến và lực lượng chính trị đối lập là Đảng Dân chủ.
[19] Mustafa Kemal Atatürk (1881 – 10 tháng 11 năm 1938) là một sĩ quan quân đội, nhà cách mạng, và là quốc phụ cũng như vị Tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ.
[20] Napoléon Bonaparte (15 tháng 8 năm 1769 – 5 tháng 5 năm 1821) là một nhà quân sự và nhà chính trị tiêu biểu của Pháp trong và sau cuộc cách mạng Pháp cũng như các cuộc chiến tranh liên quan ở châu Âu. Với đế hiệu Napoléon I, ông là Hoàng đế của người Pháp từ năm 1804 đến năm 1815.
[21] Aleksandr I (23 tháng 12 [cũ 12 tháng 12] năm 1777 – 1 tháng 12 [cũ 19 tháng 11] năm 1825) là Hoàng đế của Nga từ 23 tháng 3 năm 1801 đến 1 tháng 12 năm 1825. Ông là người Nga đầu tiên trở thành Vua của Ba Lan, trị vì từ 1815 đến 1825, và cũng là vị Đại Công tước Phần Lan người Nga đầu tiên.
[22] Adolf Hitler (20 tháng 4 năm 1889 – 30 tháng 4 năm 1945) là người Đức gốc Áo, Chủ tịch Đảng Công nhân Đức Quốc gia Xã hội chủ nghĩa từ năm 1921, Thủ tướng Đức từ năm 1933, là “Lãnh tụ và Thủ tướng đế quốc” kiêm nguyên thủ quốc gia nắm quyền Đế quốc Đức kể từ năm 1934
[23] Tiệp Khắc, còn gọi tắt là Tiệp, là một nhà nước có chủ quyền tại Trung Âu tồn tại từ tháng 10 năm 1918, khi nó tuyên bố độc lập khỏi Đế quốc Áo-Hung, cho tới năm 1992. Từ 1939 tới 1945 quốc gia này trên thực tế không tồn tại, vì bị bắt buộc giải tán và sáp nhập một phần vào nước Đức Phát xít, nhưng Chính phủ Séc lưu vong quả thực có tồn tại trong giai đoạn này trong khi Slovakia độc lập khỏi Séc. Ngày 1 tháng 1 năm 1993 Tiệp Khắc phân chia trong hòa bình thành Cộng hòa Séc và Slovakia. Cộng hòa Séc hiện nay kế thừa Tiệp Khắc về mặt pháp lý.
[24] Karl V (24 tháng 2 năm 1500 – 21 tháng 9 năm 1558) là người đã cai trị cả Đế quốc Tây Ban Nha từ năm 1516 và Đế quốc La Mã Thần thánh từ năm 1519, cũng như các vùng đất từng thuộc về Công quốc Bourgogne xưa kia kể từ năm 1506. Ông đã tự nguyện rút lui khỏi những chức vị nay sau một loạt cuộc thoái vị từ năm 1554 đến 1556.
[25] Cách mạng Pháp (1789–1799), là một sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp, diễn ra từ năm 1789 đến 1799, khi lực lượng dân chủ và cộng hòa đã lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế và cả Giáo hội Công giáo Rôma tại Pháp cũng đã phải trải qua nhiều thay đổi.
[26] Sa hoàng, còn gọi là Nga hoàng, là tước vị chính thức của các vua Nga từ năm 1547 đến năm 1721 và là tên gọi không chính thức của các hoàng đế Nga từ đó về sau. Thực ra, vị vua đầu tiên xưng Sa hoàng là Simeon I của Bulgaria
[27] Vladimir Ilyich Lenin, tên khai sinh là Vladimir Ilyich Ulyanov, còn thường được gọi với tên V. I. Lenin hay N. Lenin, có các bí danh: V.Ilin, K.Tulin, Karpov…; sinh ngày 22 tháng 4 năm 1870, mất ngày 21 tháng 1 năm 1924; là một lãnh tụ của phong trào cách mạng vô sản Nga, là người phát triển học thuyết của Karl Marx (1818 – 1883) và Friedrich Engels.
[28] Bolshevik (xuất phát từ bolshinstvo, “đa số”) là những thành viên của phe Bolshevik của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga Marxist tách ra khỏi phe Menshevik xuất phát từ men’shinstvo (“thiểu số”). Việc chia rẽ này đã xảy ra tại Đại hội Đảng năm 1903 và cuối cùng đã trở thành Đảng Cộng sản Liên Xô. Sau khi chia rẽ, Đảng Bolshevik đã được đặt tên là RSDLP, trong đó chữ “b” là viết tắt của “Bolshevik”. Ngay sau khi giành được quyền lực vào tháng 9 năm 1917, đảng này đổi tên thành Đảng Cộng sản Nga (Bolshevik) và được mọi người biết đến với tên gọi là Đảng cộng sản kể từ thời điểm đó, tuy nhiên, cho đến mãi năm 1952 thì đảng này mới bỏ chữ “Bolshevik” khỏi tên gọi của mình. Những người Bolshevik đã giành được quyền lực ở Nga trong giai đoạn Cách mạng tháng 10 của Cách mạng tháng 10 năm 1917 và thành lập Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết (Liên Xô).