Một bản phân tích với dữ liệu rất lớn gồm tất cả các bằng sáng chế được phát minh trong vòng 200 năm cho thấy sự bùng nổ của công cuộc cải tiến trong những năm 1800 có tác động rất lớn đến xã hội.
Nghiên cứu mới sử dụng nguồn dữ liệu lớn và thông tin về các bằng sáng chế để xác định các bước tiến lịch sử của các phát minh ấn tượng. | Tricia Seibold (với ảnh từ iStock/elen11)
Đây là một bài báo với niềm tin rằng sự đổi mới công nghệ là rất quan trọng đối với sự thịnh vượng và hiện đang thay đổi cuộc sống của chúng ta với tốc độ chưa từng thấy, nhưng làm thế nào để chúng ta biết được liệu tốc độ đột phá tiên phong ngày nay có nhanh hơn thời của Thomas Edison hay không? Trên thực tế, một số nhà kinh tế cho rằng cuộc cách mạng công nghệ thông tin ngày nay tác động đến cuộc sống của chúng ta ít hơn tác động của những phát minh lớn ở cuối thế kỷ 19 đến người dân sống ở thời kỳ đó.
Vấn đề được đặt ra là rất khó để tách biệt các phát minh thực sự ấn tượng khỏi những phát minh nhỏ bé hoặc không quan trọng và để từ đó so sánh các xu hướng đổi mới trong lịch sử. Điều đó làm việc xác định các chính sách hoặc điều kiện có thể khuyến khích sự đột phá nhiều hơn trở nên khó khăn hơn.
Hiện tại, một nhóm các nhà nghiên cứu trong đó có giáo sư Amit Seru trường Kinh doanh Stanford đã phát triển một chiến lược mới, áp dụng tính toán dữ liệu lớn tới hàng triệu tài liệu văn bản của các bằng sáng chế để xếp hạng tầm quan trọng về tính đổi mới của hầu hết mọi bằng sáng chế tại Hoa Kỳ trong vòng 200 năm qua – và xác định những bước tiến mạnh mẽ mang tính lịch sử của phát minh ấn tượng.
Đối với những người hâm mộ Thung lũng Silicon, tin tốt cho họ là một trong những bước tiến quan trọng này thực sự đã xảy ra trong vòng hai thập kỷ vừa qua và chịu sự chi phối của điện tử và truyền thông.
Thang máy, Máy may và Động cơ đốt trong
Làn sóng mạnh mẽ nhất, ít nhất là được đo bằng thang đo mới này xuất hiện vào giữa những năm 1800 gồm những phát minh đã cách mạng hoá việc vận chuyển, sản xuất và thay đổi các thành phố lớn. Những phát minh quan trọng nhất bao gồm: cao su lưu hóa được sáng chế bởi Charles Goodyear, không những đã trở nên rất quan trọng đối với lốp xe mà còn cải tiến một loạt các sản phẩm công nghiệp khác; thang máy do Elisha Otis phát minh, làm cho việc xây dựng các tòa nhà chọc trời trở nên thực tế hơn và góp phần tạo nên các thành phố hiện đại; và máy may, do Elias Howe sáng chế, đã làm thay đổi ngành may mặc.
Làn sóng lớn thứ hai bắt đầu vào cuối những năm 1800. Những đột phá lớn trong giai đoạn đó bao gồm điện thoại vào năm 1876; động cơ đốt trong năm 1877; bóng đèn sợi đốt vào năm 1880; máy tính cơ học và động cơ điện đầu tiên chạy bằng dòng điện xoay chiều, cả hai đều được phát minh vào năm 1888. Bằng sáng chế cho máy bay của Orville Wright vào năm 1906 được xếp như là một bom tấn trong nghiên cứu này.
Giáo sư Seru nói rằng tầm quan trọng của nghiên cứu mới này là việc nó cung cấp một thước đo mới, mạnh mẽ để xác định các xu hướng đổi mới, từ đó mở ra cánh cửa để hiểu hơn về các lực lượng và chính sách kinh tế có thể thúc đẩy việc phát minh hơn nữa.
Ông Seru nói rằng: “Các nhà kinh tế học đồng ý về tầm quan trọng của phát triển công nghệ trong việc thúc đẩy hoạt động kinh tế, nhưng chúng ta không thực sự có nhiều cách để đo lường điều đó, đặc biệt là ở phạm vi rộng như vậy. Điều quan trọng là phải có những cách thức mạnh mẽ để đo lường sự đổi mới công nghệ và hiểu được hoạt động sáng tạo thay đổi lớn như thế nào khi chính sách thay đổi. Số lượng các đổi mới có đủ hay không? Liệu nó có chuyển dịch từ các công ty lớn sang các công ty nhỏ hay ngược lại? Liệu nó đến từ các công ty đại chúng hay các công ty tư nhân? Liệu có sự chuyển dịch về phía hoặc ra xa khỏi các trường đại học hoặc các cơ quan chính phủ hay không? Đó là tất cả các câu hỏi được đặt lên hàng đầu và hệ thống đo lường của chúng tôi mở ra những cơ hội để nghiên cứu chúng. “
Tìm kiếm các bằng sáng chế có các thuật ngữ lặp lại
Ý tưởng cơ bản đằng sau phương pháp tiếp cận mới khá đơn giản: Một phát minh quan trọng phải khác biệt lớn với những gì đã có trước đây cũng như phải gây ảnh hưởng lớn đến những gì diễn ra sau đó. Để tìm ra những loại sáng chế này, các nhà nghiên cứu đã tiến hành tìm kiếm các bằng sáng chế với những thuật ngữ và cụm từ hiếm khi xuất hiện trong các bằng sáng chế trước đó nhưng thường xuyên xuất hiện ở những sáng chế sau này.
Thách thức tính toán là rất lớn. Các nhà nghiên cứu phải xác định các thuật ngữ quan trọng trong 9 triệu bằng sáng chế, mỗi bằng sáng chế chứa hàng ngàn từ. Sau đó, họ phải phân tích tần suất các thuật ngữ này xuất hiện trong mỗi bằng sáng chế trong những năm trước và sau đó. “Ma trận tương quan” lớn này đòi hỏi việc tính toán với cường độ cao. Cuối cùng, tỷ lệ giữa hai con số này đã trở thành tiêu chuẩn để đánh giá tầm quan trọng của một bằng sáng chế.
Tại sao chúng ta lại phải thực hiện công việc khó khăn này?
Seru cho biết phương pháp tiếp cận mới này có một số ưu điểm so với các chiến lược hiện có để đo lường sự đổi mới. Chiến lược phổ biến nhất trong các chiến lược đã có hiện nay là đếm số lần mà bằng sáng chế được trích dẫn là “sáng chế có trước” (“Prior art”) trong các bằng sáng chế được đưa ra sau đó. Quy trình này gặp phải vấn đề lớn là các bằng sáng chế đã không nêu các trích dẫn như vậy cho đến tận những năm 1940, làm hạn chế tính hữu ích của các chiến lược này trong việc phân tích các xu hướng lịch sử lâu hơn và trả lời những câu hỏi “đặt lên hàng đầu” như đã nêu trên.
Một cách tiếp cận mới hơn, được chính Seru phát triển, là tính toán tầm quan trọng của sự đổi mới dựa trên sự nhảy vọt trong giá cổ phiếu của công ty khi nó được cấp bằng sáng chế mới. Nghiên cứu của ông cho thấy thước đo sự phát triển công nghệ này là một chỉ số tốt phản ánh giá trị thực tế, nhưng đáng chú ý là: cách tiếp cận này chỉ đánh giá được giá trị đổi mới cho các công ty đại chúng, bởi vì không có giá cổ phiếu cho cá nhân, công ty sở hữu tư nhân, trường đại học hay cơ quan chính phủ.
Nhận được sự ủng hộ của các sử gia
Các nhà nghiên cứu thấy rằng các phép đo chất lượng bằng sáng chế dựa trên phân tích ngữ cảnh tương quan khá tốt với các phép đo khác – bằng chứng mạnh mẽ chứng minh rằng cách tiếp cận dựa trên cụm từ/thuật ngữ của họ là đáng tin cậy.
Họ cũng nhận thấy rằng các bằng sáng chế được xếp hạng hàng đầu theo nghiên cứu này phù hợp với những đánh giá từ các sử gia. Nhìn vào danh sách 110 bằng sáng chế quan trọng nhất của Hoa Kỳ từ đầu những năm 1960, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng 40% các bằng sáng chế được xếp hạng trong tốp 10% theo phép đo tầm quan trọng của họ.
Những sáng chế huyền thoại nhất của Hoa Kỳ được xếp hạng trong tốp 1% theo sự đo lường mới này. Những sáng chế này bao gồm một số sáng chế nổi tiếng như bóng đèn điện của Thomas Edison, điện thoại của Alexander Graham Bell, và máy bay của Wright. Nhưng tốp này cũng bao gồm các đột phá ít được nhớ đến, chẳng hạn như kim băng và phát minh ra sữa đặc của Gail Borden.
Thấp hơn một chút, nhưng vẫn nằm trong tốp 10% của danh sách là: bằng sáng chế của Philo T.Farnsworth cho vô tuyến, đài FM của Edwin Armstrong và chất bán dẫn của Robert Noyce.
Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy bằng chứng định lượng cho thấy sự đổi mới công nghệ thúc đẩy hiệu suất kinh tế. Điều đó có vẻ hiển nhiên, nhưng các nghiên cứu trước đây khó có thể dự đoán hiệu suất bằng cách sử dụng các thước đo đổi mới công nghệ khác nhau. Seru cho rằng không giống các nghiên cứu trước đây, các chỉ số dựa trên ngữ cảnh cho phép các nhà nghiên cứu lọc ra một phép đo đổi mới công nghệ tốt hơn- đặc biệt là các đổi mới mang tính đột phá.
Seru cho rằng phương pháp mới để xếp hạng các phát minh quan trọng này bắt đầu cho thấy sự chính xác và nó đặt nền móng cho sự hiểu biết sâu hơn điều kiện để đổi mới thật sự có thể phát triển mạnh mẽ.Nguồn: Standford Graduate School of Business
Người dịch: Minh Huyền