“Một trong những khác biệt cơ bản giữa các thị trường mới nổi và các thị trường phát triển là các thị trường mới nổi thiếu thể chế chính thức, rất ít mô hình và tập quán kinh doanh vững chắc, thường bắt đầu như một trang giấy trắng”- theo Boris Liedtke, học giả tại Viện nghiên cứu thị trường mới nổi của INSEAD.
Mỹ, dù là nền kinh tế lớn nhất thế giới (18 nghìn tỷ USD), gần bằng tổng của Trung Quốc, Nhật Bản và Đức cộng lại nhưng vẫn không bắt kịp tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ. Theo dữ liệu của Ngân hàng thế giới [i], hai con hổ kinh tế này tăng trưởng lần lượt 6.7% và 6.6% trong năm 2016 (trong khi tốc độ của Mỹ là 1.6%). Các nền kinh tế của châu Á bằng việc tạo ra 33.8% tài sản thế giới (so với 27.9% tạo ra bởi Mỹ và Canada) đã làm giảm tầm quan trọng khu vực Bắc Mỹ và nhiều khả năng họ sẽ bỏ xa Mỹ vào năm 2050. Như vậy không có gì ngạc nhiên khi độ tin tưởng về triển vọng kinh doanh của những nhà lãnh đạo các công ty thị trường bậc trung ở các nền kinh tế mới nổi ở mức cao [ii] mặc dù khó khăn họ phải đối mặt vẫn đang tăng dần.
Tham vọng của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp bậc trung ở các nền kinh tế mới nổi là gì? Thách thức nào cản trở sự tăng trưởng của họ? Hoạt động tại nền kinh tế non trẻ có thuận lợi và khó khăn gì trong cuộc đua toàn cầu về nhân tài, nguồn vốn và khách hàng?
Mặc dù việc tiếp cận vốn, nhu cầu tái cấu trúc và thiếu cơ sở hạ tầng vẫn là lực cản với nhiều thị trường mới nổi nhưng tiềm năng phát triển là động lực chung thúc đẩy các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở các nền kinh tế năng động này. Ông William Jimerson, nhà sáng lập và CEO của tập đoàn Musa- một công ty đầu tư có trụ sở ở Nam Phi cho biết: “Thậm chí với tất cả các thách thức kinh tế, chính trị và xã hội lớn mà Nam Phi và toàn bộ châu Phi đang phải đối mặt, tôi vẫn hoàn toàn lạc quan về tương lai”, “Cơ hội lớn đưa chúng tôi tới đây hai mươi năm trước không chỉ vẫn còn, mà đã, đang và sẽ tiếp tục rộng mở”.
Kế hoạch tăng trưởng năm nay ở nhóm nền kinh tế đang nổi khá giống với kế hoạch của nhóm nền kinh tế phát triển, với hai phần ba nhóm nền kinh tế đang nổi (66%) được dự kiến tăng trưởng 10% (trong khi tỷ lệ này là 65% ở nhóm nền kinh tế phát triển). Ngay cả tỷ lệ các công ty trong mức tăng trưởng cao (11%-25%) cũng tương tự giữa các quốc gia đang nổi và quốc gia phát triển, ở tỷ lệ 23%. Điểm chung là hai nhóm đều đặt ra kế hoạch tăng trưởng tham vọng vượt xa dự báo năm nay của Ngân hàng thế giới về tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 2.7%.
Theo Annette Kimmitt, lãnh đạo thị trường tăng trưởng của EY toàn cầu, “Toàn cầu hóa và số hóa đã mang chúng ta xích lại gần nhau hơn và tạo ra một cuộc chạy đua toàn cầu về nhân tài, nguồn vốn và khách hàng”. “Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo các doanh nghiệp bậc trung ở các thị trường mới nổi đang áp dụng những chiến lược khác nhau để chiến thắng cuộc đua này, đầu tư nhiều hơn vào nhân tài là nhân tố tạo ra lợi thế cạnh tranh và họ lại có lợi thế về nhân khẩu học. Họ cũng vượt qua các đối thủ phương Tây bằng việc bắt đầu từ khoảng trống ở nhiều thị trường chủ chốt nhờ công nghệ mới”.
Kết quả này là từ khảo sát dài hạn mới của EY đối với các công ty bậc trung đại diện cho khoảng 99% các doanh nghiệp và đóng góp gần một nửa GDP toàn cầu. “Phong vũ biểu tăng trưởng” của EY [iii] nghiên cứu tham vọng tăng trưởng, chiến lược và thử thách của các nhà lãnh đạo các công ty bậc trung cũng như thái độ của họ về rủi ro và biến động toàn cầu. Khảo sát này thực hiện đối với 2.340 nhà điều hành đến từ 30 nền kinh tế chủ đạo và mỗi công ty đều có doanh thu từ 1 triệu tới 3 tỷ USD. Những người được khảo sát ở thị trường mới nổi chiếm 33% (733 người) trong tổng số người được khảo sát.
Phần 1
Tăng trưởng: Chúng ta đã ở đó chưa?
Mục tiêu tăng trưởng chung của các nhà lãnh đạo các công ty bậc trung ở cả các nền kinh tế đang nổi và nền kinh tế phát triển không khác nhau rõ rệt nhưng mức tăng trưởng trung bình giữa từng quốc gia này là khác nhau đáng kể. Tại Ấn Độ, hơn 4 trong 10 (41%) lãnh đạo công ty đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hàng năm ở mức cao, từ 11%-25%, so với tỷ lệ 23% công ty ở thị trường mới nổi và thị trường phát triển. Ngay cả ở Brazil, nơi đã và đang đối mặt với những thách thức kinh tế trầm trọng trong những năm gần đây, 26% công ty dự đoán tăng trưởng ở mức 11%-25%.
Lĩnh vực hoạt động cũng có tác động đáng kể tới tham vọng tăng trưởng ngắn hạn của công ty. Trong số các công ty dịch vụ tài chính ở thị trường mới nổi, 65% công ty mong đợi tăng trưởng doanh thu từ 6%-25%, tiếp theo tới các công ty công nghệ (63%) và khoa học đời sống (63%). Trái lại, các công ty trong lĩnh vực ô tô, bất động sản, truyền thông giải trí (11%-13%) dự kiến sẽ tăng trưởng âm trong năm nay. Theo Kimmitt, “Sự hội tụ ngành mạnh, đột phá số thức và sự hợp nhất thị trường là những lực cản đối với những công ty ở các lĩnh vực này, dù các công ty này ở đâu”.
Cũng giống như các nhà lãnh đạo công ty ở thị trường phát triển, trong các chiến lược tăng trưởng, các nhà lãnh đạo ở thị trường mới nổi thâm nhập thị trường mới về mặt địa lý trước (24% người trả lời). Mua bán và sáp nhập (18%) và phát triển các hoạt động kinh doanh liên quan (17%) là ưu tiên thứ hai, điều này cũng giống như ở các quốc gia phát triển.
Đối với một số doanh nghiệp, mở rộng quốc tế là chìa khóa. Theo Rohin Han, CEO và nhà sáng lập của Zepp Labs, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh về công nghệ trang phục thể thao, “Mở rộng phân phối sản phẩm tới các thị trường lớn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi”. “Bắc Mỹ là thị trường lớn nhất của chúng tôi, mang lại hơn một nửa doanh số. Mỹ và Canada có xu hướng chấp nhận sản phẩm mới sớm hơn bất cứ nơi đâu”.
Đối với những doanh nghiệp khác, đặc biệt là những doanh nghiệp nhắm vào lợi thế thị trường nước nhà với 1.3 tỷ dân thì việc mở rộng thị trường nội địa là việc đầu tiên. Htite, nhà sáng lập và CEO của nền tảng cho vay trực tuyến cho biết “Trung Quốc vẫn là mục tiêu chính của Dianrong”. “Đây là thị trường trong nước của chúng tôi và chúng tôi mới chỉ bắt đầu khai thác thị trường cho vay ở đây”.
Thậm chí các đơn vị khởi nghiệp ngày nay cũng thường được thành lập trên phạm vi toàn cầu. Justin Drennan, CEO của Parcelninja Nam Phi, công ty cung cấp dịch vụ phân phối và kho chứa thương mại điện tử cho biết “Chúng tôi nhận thấy nhiều cơ hội để mở rộng ở châu Phi và sang các khu vực khác như Nam Mỹ, Trung Đông và Đông Nam Á”. Nhà sáng lập của công ty 4 năm tuổi này, Drennan tiếp tục cho biết: “Chúng tôi hướng tới những nơi đang bùng nổ thương mại điện tử trong thị trường mới nổi”.
Ba nhân tố thúc đẩy tăng trưởng là hiệu quả của chuỗi cung ứng (21% người trả lời), nhân sự có năng lực với kỹ năng phù hợp (21%) và công nghệ mới (18%). Lượng người đồng ý với yếu tố công nghệ ít hơn 3% so với ở các quốc gia phát triển và sự khác biệt này thậm chí được thể hiện rõ rệt hơn trong quan điểm về xếp hạng những xu thế mạnh mẽ tác động tới hoạt động kinh doanh.
Phần 2: Công nghệ: Vấn đề hay Giải pháp
26% người trả lời ở thị trường phát triển đồng ý công nghệ là xu thế mạnh mẽ then chốt, trong khi những nhà lãnh đạo ở các thị trường mới nổi xếp yếu tố này ở cuối cùng với chỉ 15% người trả lời đồng ý (sau yếu tố sự dịch chuyển dân số (39%), dịch chuyển trong mô hình lao động (26%) và toàn cầu hóa (20%)).
Theo Kimmitt, “Điều này bề ngoài tưởng như các CEO tại các thị trường mới nổi không bị ảnh hưởng nhanh chóng bởi công nghệ mới, nhưng những gì chúng tôi thấy là các công ty đang nhảy vượt qua các đối thủ ở thị trường phát triển. Họ đã và đang sử dụng công nghệ số để tạo ra lợi thế cạnh tranh”. Có rất nhiều ví dụ như hệ thống thanh toán di động M-Pesa, được tạo ra ở Kenya và Tanzania, đã tạo ra một cuộc cách mạng ngân hàng di động càn quét toàn cầu. Đổi lại, M-Pesa dựa vào sự gia tăng nhanh chóng của các mạng di động cung cấp truy cập internet thông qua điện thoại thông minh đã giải phóng các giới hạn của công nghệ cáp lạc hậu đè nặng lên các thị trường phát triển.
Malaysian IRIS – quán quân cuộc thi EY Entrepreneur Of The YearTM năm 2015 là công ty đầu tiên phát triển Hộ chiếu điện tử và Chứng minh thư điện tử mà hiện đang được sử dụng ở các quốc gia từ Nigeria tới Na-Uy. Tan Say Jim, nhà sáng lập và nguyên Giám đốc quản lý, Tập đoàn Iris cho biết “Ngay cả ở Malaysia chúng tôi đã từng tin rằng công nghệ tuyệt vời phải tới từ phương Tây – từ Mỹ, Đức hoặc Anh. Tôi đã từng hối tiếc rằng chúng tôi là một công ty công nghệ Malaysia. Giờ đây tôi phải tự tin hơn”.
Aadhaar, công ty có trụ sở tại Ấn độ, đã phát triển hệ thống ID sinh trắc học thế hệ kế tiếp – một trong những hệ thống tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới; hệ thống này ưu việt hơn hệ thống giấy tờ cồng kềnh, kém hiệu quả và không an toàn.
Dubai hiện có kế hoạch chuyển toàn bộ tài liệu công (100 triệu tài liệu mỗi năm) sang lưu trữ dưới dạng blockchain vào năm 2020. Theo Vinay Gupta trong Harvard Business Review: “Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu các siêu thương hiệu dẫn đầu thế giới sắp tới và các nền tảng toàn cầu được thiết lập ở xa các trung tâm phát triển công nghệ truyền thống”. [iv]
Điểm này được nhấn mạnh hơn nữa trong câu trả lời về năng suất. Trong khi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi đặt hiệu quả của chuỗi cung ứng (28% người trả lời) và văn hoá tổ chức được cải thiện (23%) lên trước yếu tố công nghệ (15%) và xem chúng là chìa khóa để nâng cao năng suất, thì công nghệ được xếp hạng đầu tiên bởi các nền kinh tế phát triển (25% người trả lời).
Tại các quốc gia phát triển, công nghệ là nhân tố cơ bản của đổi mới (20% người trả lời) trong khi tại các thị trường mới nổi, công nghệ được xếp cuối cùng. Công nghệ ở các thị trường mới nổi là một điều kiện để giành chiến thắng trên thị trường- chứ không phải là động lực của sự thay đổi. Các nhà lãnh đạo ở các thị trường mới nổi tập trung chủ yếu vào cạnh tranh như một động lực đổi mới (22% người trả lời) – cao hơn 4% so với kết quả trả lời ở các nước phát triển.
Yêu cầu về chi phí có thể thúc đẩy một số tiến bộ công nghệ ở các nền kinh tế mới nổi nhưng cũng có thể là rào cản cho những tiến bộ này. Chi phí tương đối cao trong việc áp dụng công nghệ tự động hóa sử dụng robot (RPA) đang cản trở các công ty bậc trung ở các quốc gia đang phát triển. Chỉ 4% lãnh đạo các thị trường mới nổi đã áp dụng RPA cho một số quy trình kinh doanh và 15% dự định áp dụng RPA trong 10 năm tới. Điều này trái ngược với tỷ lệ áp dụng 6% ở các nước phát triển và 22% dự định bước đầu sử dụng RPA trong thập kỷ tiếp theo. Kimmitt cho biết: “Khi chi phí RPA giảm xuống, chúng tôi dự đoán sự thâm nhập của các công nghệ này sẽ tăng lên ở các thị trường mới nổi”.
Tuy nhiên, tất cả các nhà lãnh đạo các công ty bậc trung đồng ý rằng RPA sẽ không đặt dấu chấm hết cho việc làm của con người: đa số người được hỏi cho rằng nó có thể tiết kiệm chi phí lao động xuống dưới 10%. Kimmitt cho rằng: “RPA sẽ không thay thế tài năng của con người, thay vào đó, nó sẽ cải thiện năng suất, hiệu quả và giải phóng sự sáng tạo của con người”.
Các nhà điều hành cấp cao các công ty bậc trung, dù ở bất cứ nơi nào, đều trông cậy vào nguồn nhân tài nội bộ để thúc đẩy sự đổi mới doanh nghiệp (với 46% người trả lời của thị trường phát triển và 40% người trả lời của thị trường đang phát triển). Cả hai nhóm đều xếp dữ liệu khách hàng là yếu tố thứ ba để gia tăng đổi mới (17% người trả lời ở mỗi nhóm).
Phần 3: Mất cân bằng nhân tài
Rõ ràng nhân tài là chìa khóa cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp dù họ ở đâu, nhưng không phải tất cả họ đều đầu tư như nhau. Chỉ hơn 1/5 các công ty (21%) ở các thị trường mới nổi đang tìm cách giữ mức nhân viên hiện tại, trong khi hơn 2/3 công ty (67%) đang tạo ra các việc làm mới. So sánh với các nước phát triển, hơn 1/4 công ty (28%) đang lên kế hoạch cố định số lượng nhân viên và chỉ có 56% công ty dự định tạo việc làm mới. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo ở các thị trường mới nổi thường có xu hướng thuê nhân sự tự do từ các thị trường kinh tế tự do (với 42% dự định thuê nhà thầu và nhân viên bán thời gian, so với chỉ 28% ở các quốc gia phát triển).
Tất cả các nhà lãnh đạo các công ty bật trung đều thống nhất về loại tài năng mà họ cần. Xếp thứ nhất là nhân sự có kỹ năng chuyên môn (25%) theo sau là nhân sự phù hợp với văn hoá (24% trả lời của các thị trường mới nổi và 22% trả lời của các nước phát triển).
Olivia Lum là Giám đốc điều hành Tập đoàn Hyflux, một nhà lãnh đạo toàn cầu về các giải pháp nước bền vững cho rằng: “Khi bạn đổi mới doanh nghiệp, bạn sẽ luôn cần thu hút nhiều nhân tài hơn. Sẽ không ai nói về sự thiếu hụt nhân tài nếu họ đang làm những công việc giống nhau ngày này qua ngày khác”.
Ông Agostinho Gaspar, đồng sáng lập công ty truyền thông doanh nghiệp có trụ sở tại Rio, nói rằng ngay cả ở Braxin, nơi tỷ lệ thất nghiệp tăng gần 14% vào tháng 3 năm 2017, “những người tốt nhất vẫn rất đắt giá”.
Các nhà lãnh đạo ở các thị trường mới nổi nhận ra rằng khi xem xét về động lực cho năng suất, cải thiện văn hoá tổ chức chỉ đứng sau tính hiệu quả của chuỗi cung ứng (cao hơn 5% so với số liệu của các nền kinh tế phát triển), nhưng rõ ràng là đa số các nhà quản trị cấp cao (93%) dù ở nơi nào đều đồng ý rằng công nghệ cho phép họ thu hút được nhân tài mà họ cần.
Phần 4: Thử thách và Rủi ro
Tất cả các nhà lãnh đạo công ty bậc trung xem sự cạnh tranh ngày càng tăng là thách thức chính đối với tăng trưởng, cao hơn bất ổn địa chính trị, sự sẵn có của tín dụng và các luật lệ. Theo giải thích của Kimmit: “Sự bất ổn về địa chính trị trở thành một điều bình thường mới. Các CEO của công ty bậc trung tập trung vào lĩnh vực chiến lược mà họ có thể kiểm soát – sự cạnh tranh; tài năng; công nghệ – chứ không phải môi trường vĩ mô nơi mà họ hoạt động”.
Thiếu nhân sự có kỹ năng được xếp là thách thức thứ hai đối với sự tăng trưởng bởi các nhà lãnh đạo trong thị trường phát triển, trong khi tại các nền kinh tế đang nổi, việc thiếu nhân sự có kỹ năng đứng thứ năm. Điều này phản ánh áp lực của các quốc gia phát triển trong việc tìm kiếm nhân sự có kỹ năng.
Kamakshi Sivaramakrishnan, nhà sáng lập và CEO của Drawbridge, một công ty công nghệ quảng cáo cho biết: “Mặc dù chúng tôi đặt trụ sở tại thung lũng Silicon, cái nôi của các nhà khởi nghiệp và công nghệ, chúng tôi vẫn rất khó kiếm tìm nhân tài bởi vì cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài rất khốc liệt”.
Roman Kirsch, CEO và đồng sáng lập của đơn vị bán lẻ thời trang trực tuyến Lesara đặt tại Berlin, hoạt động trên 24 thị trường, tóm lược vấn đề hàng đầu thế giới như sau: “Thật không may, nhu cầu nhân tài ở châu Âu đã vượt quá cung”.
Các quy định và chi phí và sự sẵn có của tín dụng đều được xếp là rủi ro thứ ba bởi người trả lời. Yan Dinggui, CEO của nền tảng cho vay trực tiếp từ người tới người Niwodai, giải thích: “Ngay lúc này nguồn vốn là rất dễ tiếp cận đối với các công ty FinTech ở Trung quốc….Vì vậy với chúng tôi, việc thu hút nhân tài và xây dựng công nghệ tân tiến nhất quan trọng hơn việc đầu tư ngoài”.
Dẫu vậy, tài chính vẫn là thách thức ở một số nền kinh tế. Farida Bedwei, CTO của Ghana- trụ sở tại Logiciel, nhà cung cấp dịch vụ tài chính vi mô dựa trên nền tảng đám mây cho biết: “Tiếp cận nguồn vốn là một trong những thách thức chính để phát triển kinh doanh. Chúng tôi chỉ không có số vốn mà chúng tôi cần”.
Hướng tới tương lai
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp ở các thị trường mới nổi đang sử dụng nhiều thời gian để hoạch định tương lai hơn những nhà lãnh đạo ở các thị trường phát triển. Trong khi 47% các nhà điều hành cấp cao ở các thị trường phát triển sử dụng 20% thời gian của họ vào hoạch định tương lai, chỉ có 36% các nhà điều hành cấp cao ở thị trường mới nổi làm như vậy. Tuy nhiên, tất cả đều đồng ý rằng họ đang không dành đủ thời gian quản lý cho hoạch định tương lai.
(i) https://www.weforum.org/agenda/2017/03/worlds-biggest-economies-in-2017/
(ii) Các nền kinh tế đang nổi trong khảo sát “Phong vũ biểu tăng trưởng” bao gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Mexico, Nigeria, Philippin, Ba Lan, Nga, Ả rập Xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ.
(iii) EY đã ủy thác cho Nhà đầu tư tổ chức Euromoney tiến hành khảo sát trực tuyến 100% các nhà điều hành cấp cao (60% CEO, người sáng lập hoặc giám đốc điều hành) tại các công ty đến từ 30 quốc gia và doanh thu hàng năm là 1 triệu đô la – 3 tỷ đô la. Cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 31 tháng 3 năm 2017 đến tháng 5 năm 2017. 2.340 người trả lời là đại diện cho GDP toàn cầu xét về mặt địa lý (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2016). EY tiếp tục mời mạng lưới toàn cầu nhà khởi nghiệp trong chương trình Entrepreneur Of The Year™ tham gia cuộc khảo sát. Cuộc khảo sát thực hiện bằng tiếng Anh và sáu ngôn ngữ khác. Các cuộc phỏng vấn sâu hơn được tiến hành trong tháng 5/tháng 6 năm 2017 để cung cấp thêm thông tin chi tiết cụ thể, một vài trong số đó được đưa vào báo cáo này.
(iv) https://hbr.org/2017/05/how-blockchain-could-help-emerging-markets-leap-ahead
Người dịch: Thắm Nguyễn
Tác giả: Annette Kimmitt, Global Growth Markets Leader và Liz Bolshaw Lead Analyst, Global Growth Markets của Ernst & Young
Nguồn: Ernst & Young Global Limited